Cây chó đẻ chữa bệnh gì?
Cây chó đẻ được dùng làm thuốc lợi tiểu, thúc đẩy tiêu hóa, hỗ trợ điều trị đái tháo đường đặc biệt để điều trị chữa bệnh gan, viêm gan do virus và rượu... Tuy nhiên, cây thuốc này nấu nước uống hàng ngày, có nên dùng trong thời gian dài hay không?
1. Công dụng trị liệu của cây chó đẻ
Cây chó đẻ còn có tên là chó đẻ răng cưa, trân châu thảo, diệp hạ châu, thập tự trân châu thảo, nhật khai dạ bế (ngày mở đêm đóng), âm dương thảo, lão nha châu, rút đất, khao ham (Tày), prak phle (Cămpuchia)... tên khoa học là Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Hornem.), thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Để làm thuốc, thường dùng toàn cây (bỏ rễ), dùng tươi hoặc phơi khô.
Theo Đông y, cây chó đẻ có vị đắng, tính mát, lợi vào 2 kinh Thủ thái âm Phế và Túc quyết âm Can; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bình can minh mục (điều hòa chức năng gan, sáng mắt), lợi thủy, thoái hoàng (chống vàng da), giải độc...; dùng chữa viêm ruột, kiết lỵ, viêm gan truyền nhiễm, viêm thận phù thũng, viêm nhiễm đường tiết niệu, trẻ cam tích, mắt đỏ đau sinh màng mộng, các chứng ung nhọt và thũng độc không rõ nguyên nhân.
Liều dùng hàng ngày: 20-50g cây khô (40-100g tươi); dùng ngoài không có liều lượng.

Cây chó đẻ được dùng làm thuốc điều trị chữa bệnh gan, viêm gan do virus và rượu..
2. Bài thuốc thường dùng từ cây chó đẻ
Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy: Cây chó đẻ 30g, mã đề 20g, chi tử 12g. Sắc uống.
Viêm gan mạn tính do vi rus HBV: Cây chó đẻ 30g, gan lợn 100g; nấu lên, uống nước đặc, uống trong nhiều ngày.
Xơ gan cổ trướng: Lá cây chó đẻ sao vàng, hạ thổ; sắc uống liền trong 7 ngày là 1 liệu trình.
Trường hợp mắt sưng đỏ, đau: Cây chó đẻ 60g, mã đề 20g, dành dành 12g; sắc nước uống trong ngày, liên tục 5-7 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau: Chó đẻ một nắm, thêm vài hạt muối vào giã nát; chế nước đã đun sôi vào vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên chỗ đau (Theo "Bách gia trân tàng").
Chữa kiết lỵ, tiêu chảy hiệu quả: Cây chó đẻ tươi 100g sắc với 600ml nước, còn 200ml; chia thành 2 phần uống vào buổi sáng và buổi tối; trẻ nhỏ giảm bớt liều.
Chữa vết thương ứ máu: Lá và cành chó đẻ, mần tưới - mỗi thứ 1 nắm; tất cả đem giã nhỏ, thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai) vào vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ vết thương; nếu có điều kiện thì hòa thêm 8-12g bột đại hoàng vào càng tốt (Theo "Hoạt nhân toát yếu").
Chữa vết thương chảy máu: Cành và lá chó đẻ răng cưa trộn với vôi giã nhỏ; đắp vào chỗ vết thương (Theo "Bách gia trân tàng").
Chữa lở loét, vết thương không liền miệng: Lá chó đẻ răng cưa, lá cây đuôi tôm (thồm lồm) - 2 thứ bằng nhau; thêm 1-2 nụ đinh hương vào giã nát; đắp vào vết thương (Theo "Bách gia trân tàng").
3. Lưu ý khi dùng nước uống hàng ngày từ cây chó đẻ
Trong hệ thống phân loại thuốc Đông y, chó đẻ được xếp trong nhóm thuốc "Lợi thấp thoái hoàng" (chống vàng da do thấp tà), không thuộc nhóm thuốc bổ.
Theo Đông y, chó đẻ là loại thuốc đắng mát, người "Dương hư thể nhược" (cơ thể suy nhược thể Dương hư) sử dụng cần hết sức thận trọng.
Kết quả nghiên cứu về tác dụng phụ của Đông dược những năm gần đây cho thấy, sử dụng lâu ngày cây chó đẻ có thể dẫn tới trạng thái bệnh lý là "Hao khí tổn Dương" với các biểu hiện như mệt mỏi, da xanh xao, tinh thần uể oải, đầu choáng, mắt hoa; hoạt động một chút là vã mồ hôi (nhiều nhất ở trên đầu), thở gấp, hụt hơi, đôi khi phải há miệng để thở; buồn ngủ, tinh thần thiếu tập trung, khả năng tư duy giảm sút; chán ăn, đau bụng, tiêu chảy...
Do đó nên sử dụng cây thuốc này trong trường hợp có bệnh, chứ không nên nấu nước uống thay trà hay uống thường xuyên.
Mời bạn xem thêm video:
Ăn gan có bổ gan không? | SKĐS