6 vị thuốc thanh nhiệt, giải độc cơ thể mùa hè
Thanh nhiệt, giải độc cơ thể rất quan trọng, nhất là với những người hay bị nổi mụn nhọt, nóng gan, ăn uống kém...
Mùa hè thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài khiến cơ thể dễ bị mất nước, tích nhiệt, sinh độc, dẫn đến mệt mỏi, nổi mụn nhọt, rôm sảy, thậm chí sốt, viêm nhiễm. Trong y học cổ truyền, hiện tượng này được gọi là "nội nhiệt", "nhiệt độc tích tụ", cần được điều hòa bằng các phương pháp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, dưỡng âm sinh tân.
Nội dung
1. Rễ cỏ tranh (bạch mao căn) giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể
2. Rau má (tích tuyết thảo)
3. Diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa)
4. Atiso
5. Râu ngô (ngọc mễ tu) - lợi tiểu, giải nhiệt, hỗ trợ hạ huyết áp
6. Kim ngân hoa
Một số lưu ý khi sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc
Bên cạnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, nhiều vị thuốc y học cổ truyền có thể hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc hiệu quả và an toàn nếu sử dụng đúng cách.
Trong bài viết này, xin giới thiệu một số vị thuốc y học cổ truyền được sử dụng phổ biến trong mùa hè.
1. Rễ cỏ tranh (bạch mao căn) giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể
Rễ cỏ tranh là vị thuốc dân gian quen thuộc, thường được nấu nước uống giải nhiệt. Trong Đông y, bạch mao căn có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh phế và vị, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, lương huyết, lợi tiểu. Dân gian thường dùng bạch mao căn nấu với rễ ngò rí, mía lau để uống mát gan, giải độc, hạ sốt trong những ngày nắng nóng.
Các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rễ cỏ tranh có chứa các flavonoid, acid hữu cơ và polysaccharide giúp chống oxy hóa, kháng viêm, lợi niệu nhẹ, hỗ trợ điều trị các bệnh lý như viêm đường tiết niệu, nóng trong, tiểu buốt.
Cách dùng: Lấy khoảng 20-30g rễ cỏ tranh khô, sắc với 1 lít nước, uống thay nước lọc trong ngày.

Rễ cỏ tranh thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát.
2. Rau má (tích tuyết thảo)
Trong y học cổ truyền, rau má có vị đắng nhẹ, tính mát, quy vào kinh can và tỳ. Công dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và lương huyết, tiêu viêm. Rau má thường được dùng để trị rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa do nhiệt độc, đồng thời làm mát gan, hỗ trợ tiêu hóa.
Trong rau má chứa các thành phần beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, cùng nhiều vitamin và khoáng chất giúp làm lành vết thương, tăng cường tuần hoàn máu dưới da, làm sáng da, giải độc gan hiệu quả.
Cách dùng: Dùng rau má tươi (50-100g), rửa sạch, xay lấy nước uống hoặc luộc ăn như rau. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 2 tuần để tránh gây hạ huyết áp hoặc rối loạn tiêu hóa.

Rau má thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
3. Diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa)
Diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, quy vào kinh can và phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, lợi tiểu, tiêu viêm. Dân gian thường dùng cây này trong các trường hợp viêm gan siêu vi, vàng da, nóng gan, mụn nhọt, đặc biệt hiệu quả với người thường xuyên uống bia rượu hoặc có dấu hiệu men gan cao.
Nghiên cứu hiện đại chỉ ra hoạt chất phyllanthin và hypophyllanthin trong diệp hạ châu có khả năng bảo vệ tế bào gan, ức chế virus viêm gan B, tăng cường chức năng gan.
Cách dùng: Sắc khoảng 20-30g diệp hạ châu khô với nước uống hằng ngày. Không nên dùng kéo dài liên tục quá 1 tháng nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

Diệp hạ châu thanh nhiệt, giải độc gan.
4.Atiso
Atiso là một trong những vị thuốc quý có công năng mát gan, lợi mật, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc. Đông y xếp atiso vào nhóm thuốc có vị đắng, tính mát, quy vào kinh can và tỳ. Atiso giàu cynarin và silymarin - các chất có khả năng bảo vệ gan, kích thích bài tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa chất béo, đồng thời giúp làm giảm cholesterol máu.
Cách dùng: Dùng bông atiso tươi hoặc khô sắc nước uống, có thể kết hợp với râu ngô, mía lau, cỏ ngọt để tăng hiệu quả thanh nhiệt. Ngoài ra, có thể dùng cao atiso dạng viên, cao lỏng theo liều lượng chỉ định.

Atiso mát gan, lợi mật.
5. Râu ngô (ngọc mễ tu) - lợi tiểu, giải nhiệt, hỗ trợ hạ huyết áp
Râu ngô là vị thuốc có tính mát, vị ngọt nhẹ, thường được dùng trong các bài thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu. Theo y học cổ truyền, râu ngô giúp lợi thủy, thanh can, hạ nhiệt, tiêu viêm; thường được dùng cho người bí tiểu, tiểu đục, nóng trong, mề đay, mẩn ngứa. Y học hiện đại cũng ghi nhận râu ngô chứa nhiều vitamin K, potassium, flavonoid giúp lợi tiểu nhẹ, hạ huyết áp và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
Cách dùng: Dùng 10-15g râu ngô tươi hoặc khô sắc nước uống, có thể kết hợp với atiso, rễ cỏ tranh để tăng hiệu quả.

Râu ngô lợi tiểu, giải nhiệt.
6. Kim ngân hoa
Theo y học cổ truyền, kim ngân hoa có vị đắng, ngọt, tính hàn, mạnh về thanh nhiệt giải độc, có hương thơm, có khả năng sơ tán phong nhiệt; bên trong làm mát, bên ngoài tán tà. Kim ngân hoa thích hợp với các chứng nhiệt độc bên trong, ngoại cảm ôn nhiệt bên ngoài.
Ngoài ra, vị thuốc này còn có tác dụng diệt khuẩn, chứa dược chất tiêu viêm mạnh, giúp thanh nhiệt, giải độc và đẩy độc tố ra bên ngoài cơ thể; dùng tốt cho các trường hợp mụn nhọt, ổ viêm, sưng mủ vàng…
Cách dùng: Trà kim ngân hoa, có thể dùng hãm, pha như trà uống hàng ngày vào mùa hè, sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc rất tốt.

Kim ngân hoa mạnh về thanh nhiệt, giải độc.
Một số lưu ý khi sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc
- Không dùng kéo dài: Hầu hết các vị thuốc thanh nhiệt đều có tính mát hoặc hàn, nếu dùng dài ngày có thể làm hại tỳ vị, gây tiêu chảy, lạnh bụng.
- Phối hợp hợp lý: Nên kết hợp các vị thuốc với nhau theo tỷ lệ thích hợp, tránh dùng đơn lẻ liều cao.
- Người có bệnh nền như huyết áp thấp, tiêu hóa kém, người cao tuổi hoặc đang dùng thuốc tây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Bên cạnh việc sử dụng các vị thuốc trên đúng cách trong mùa hè oi nóng, cần kết hợp với lối sống khoa học, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và tránh lạm dụng các loại thảo dược mà không hiểu rõ cơ địa.