Cây bàng vuông - Biểu tượng của người lính đảo Trường Sa

Chúng tôi đến thăm Quần đảo Trường Sa đúng dịp Tết đến, xuân về. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đảo là những chùm hoa tím ngắt, ẩn trong tán lá cây xanh mướt, rễ cây cắm sâu vào nền đá san hô, tạo nên dáng đứng hiên ngang như chính những người lính đảo.

Hoa bàng vuông - loài hoa đặc trưng ở Quần đảo Trường Sa.

Hoa bàng vuông - loài hoa đặc trưng ở Quần đảo Trường Sa.

Vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây, thuộc Quần đảo Trường Sa, sau những phút giây xúc động vì tình cảm thiết tha của những người lính đảo và các hộ dân, chúng tôi được Trung sĩ Nhan Nguyễn Giàu Sang đưa đi thăm đảo. Điều ngỡ ngàng với chúng tôi, những nhà báo lần đầu tiên được ra thăm đảo chính là nơi đây như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình.

Cây bàng vuông đứng hiên ngang bên cột mốc chủ quyền ở đảo Sinh Tồn.

Cây bàng vuông đứng hiên ngang bên cột mốc chủ quyền ở đảo Sinh Tồn.

Câu chuyện đầu tiên của người lính trẻ giới thiệu về đảo lại là cây bàng vuông, một loài cây rất đặc trưng nơi sóng gió đại dương. Trung sĩ Nhan Nguyễn Giàu Sang kể với giọng đầy tự hào: Ở Trường Sa, gió cũng mang hơi mặn của biển, nên đến vật liệu bê tông cốt thép còn phải gia cố thường xuyên. Trong cái khốc liệt ấy, những cây bàng vuông vẫn vươn lên tươi tốt. Ở đây có những cây bàng vuông hơn cả tuổi đời của người lính, chính vì vậy, việc được giao chăm sóc cây chính là niềm vinh dự, gắn liền với trách nhiệm xây dựng hệ sinh thái cây xanh ngày càng dịu mát.

Nhiều nữ phóng viên thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông ở Trường Sa.

Nhiều nữ phóng viên thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông ở Trường Sa.

Nhiều nữ phóng viên thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông ở Trường Sa.

Nhiều nữ phóng viên thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm với cây bàng vuông ở Trường Sa.

Trong niềm thích thú xen lẫn tình cảm yêu thương, chúng tôi dừng chân để check in dưới bóng 1 cây bàng vuông xanh mướt. Những bông hoa như tia nắng nở đêm qua vẫn còn vương nơi chùm lá xum xuê, tỏa rộng ngạo nghễ, tạo nên một dáng đứng hiên ngang, khỏe khoắn như vừa chở che, vừa kiên cường có mặt nơi gian khó. Cũng chính vì thế, người ta bảo cây bàng vuông khỏe khoắn và hiên ngang như người lính đảo.

Cây bàng vuông là "người bạn thân thiết" của cán bộ, chiến sỹ ở Quần đảo Trường Sa.

Cây bàng vuông là "người bạn thân thiết" của cán bộ, chiến sỹ ở Quần đảo Trường Sa.

Không rõ bàng vuông được trồng trên các đảo nổi ở Trường Sa từ khi nào, những cây bàng vuông bén rễ, cắm sâu vào đá san hô, hiên ngang trổ cành, đơm hoa, kết trái đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người lính Hải quân nơi đây. Nó cứ lặng thầm, hiền dịu, chắt chiu tinh túy của đá san hô; vươn mình giữa cái mặn mòi của biển, của những cơn gió đại dương tới cấp 14-16 và cái nắng hầm hập suốt từ 5 giờ đến tận 18 giờ, tỏa bóng mát, xua đi thời tiết khốc liệt giữa trùng khơi.

Trung tá Lương Tú Đa, đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Cùng với cây phong ba, bàng vuông là loại cây trụ vững được trước nắng gió và bão tố trên Quần đảo Trường Sa. Cây còn có những tên gọi khác là “Bàng bí”, “Chiếc bàng” hay “Cây thuốc cá”, thuộc loài thực vật rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và rất hiếm có ở Việt Nam. Bàng vuông là loại thân gỗ, có chiều cao từ 7 đến 25m. Những chiếc lá cây hình trứng ngỗng ngược dài khoảng 20 đến 40cm, bề ngang khá to có khi tới cả gang tay như muốn hứng trọn cả không khí vừa trong lành, vừa đậm hương vị của đại dương mênh mông…

Trung tá Lương Tú Đa, đảo Sinh Tồn Đông giới thiệu về cây bàng vuông.

Trung tá Lương Tú Đa, đảo Sinh Tồn Đông giới thiệu về cây bàng vuông.

Nhưng thi vị và gợi cảm nhất là hoa bàng vuông. Hoa chỉ nở đúng vào thời khắc giữa ngày cũ và ngày mới như hoa Quỳnh, nụ hoa bàng vuông bung ra khoe sắc giữa biển trời với hàng trăm cánh nhụy dài hơn cả gang tay tạo ra đủ sắc màu vô cùng quyến rũ; đồng thời tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng. Đặc biệt hơn, khi hoa nở chính là lúc Tết đến, xuân về; mang đến một năm mới tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng, đồng thời gợi bao nhung nhớ với đất liền mến yêu của tất cả những người chiến sĩ nơi đây.

Hoa bàng vuông chỉ nở đúng vào thời khắc giữa ngày cũ và ngày mới như hoa Quỳnh.

Hoa bàng vuông chỉ nở đúng vào thời khắc giữa ngày cũ và ngày mới như hoa Quỳnh.

Kỳ lạ nhất là quả, quả bàng vuông khá to, nặng ước chừng 0,5kg; đường kính mỗi quả đến nửa gang tay người lớn và có hình như chiếc đèn lồng có 4 hoặc 5 cạnh vuông. Quả to, nhưng rất cứng dù đã chín và không thể ăn được; chỉ dùng để cho khách lạ chiêm ngưỡng và để gieo trồng thành cây.

Tại đảo Sinh Tồn Đông, đã có một vườn ươm giống cây bàng vuông. Những người lính ở đảo thu gom những quả bàng vuông đủ độ già và đưa ra vườn để ươm mầm. Khi hạt bàng vuông nảy mầm được đánh vào bầu và chăm chút tỉ mỉ để mầm cây có khả năng sống cao nhất. Cây bàng vuông ở đảo Sinh Tồn Đông không chỉ để trồng trên đảo mà còn cung cấp cho các đảo khác để thực hiện chủ trương rất lớn của Vùng 4 Hải quân là “Xanh hóa Trường Sa”.

Các chiến sỹ chăm sóc cây bàng vuông ở Vườn ươm đảo Sinh Tồn Đông.

Các chiến sỹ chăm sóc cây bàng vuông ở Vườn ươm đảo Sinh Tồn Đông.

Đẹp, ý nghĩa thiêng liêng là vậy nên mỗi người ra thăm đảo đều có mong muốn mang một mầm sống xanh tốt nơi đây về trồng trong đất liền. Phóng viên Ngân Khánh, Đài Truyền hình Vĩnh Long sau khi ra thăm Quần đảo Trường Sa đã được những người lính trên đảo Sinh Tồn Đông tặng một cây bàng vuông nhỏ. Chị xúc động chia sẻ: Tôi muốn được mang về đất liền một mầm cây bàng vuông, để mỗi ngày, dù ở đâu thì trong trái tim tôi vẫn luôn hiện hữu, khắc sâu hình ảnh kiên cường, bất khuất của những chiến sỹ hải quân nơi đảo xa.

Phóng viên Ngân Khánh, Đài Truyền hình Vĩnh Long được tặng cây bàng vuông.

Phóng viên Ngân Khánh, Đài Truyền hình Vĩnh Long được tặng cây bàng vuông.

Câu chuyện về những cây bàng vuông như một minh chứng sống động cho tinh thần và sức sống mãnh liệt của những người lính ở Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cay-bang-vuong-bieu-tuong-cua-nguoi-linh-dao-truong-sa-858546.htm
Zalo