Thương nhớ mùi đất liền
1. Sáng ấy, biển u ám. Những đợt sóng xám xịt dập dềnh quanh nhà giàn như muốn nuốt trọn mọi âm thanh. Trong số hàng Tết mà anh và đồng đội nhận được từ đất liền có lá thư của mẹ. Những dòng chữ của mẹ nguệch ngoạc nhưng ấm áp như bàn tay gầy guộc từng vuốt tóc anh thuở nhỏ.
Mẹ kể, mùa này, quê mình đang vào vụ lúa, cánh đồng bát ngát màu xanh non. Cây ổi trước nhà-cái cây anh tự tay trồng năm 13 tuổi-đã sum suê quả, mùi thơm ngọt cứ lan tỏa khắp sân. Anh lật đi lật lại lá thư, bàn tay thô ráp mân mê từng chữ. Mùi giấy pha chút hơi ẩm lẫn trong gió biển làm sống dậy ký ức về mùi đất quê: Mùi đất sét mềm dẻo dưới chân sau trận mưa, mùi tro rơm cháy âm ỉ sau vụ gặt, mùi bùn non từ ruộng lúa mỗi buổi chiều mùa hạ. Nhưng rồi, hít hà mãi, anh chỉ nhận ra vị mặn chát của biển.
Gấp lá thư lại, anh cẩn thận đặt vào túi áo ngực, như giữ lấy cả quê nhà trong tim mình. Mùi đất liền, với anh, không chỉ là một hương thơm bình dị. Đó là nguồn cội, là lời thì thầm dịu dàng của mẹ, là lời hứa anh khắc sâu từ ngày đặt chân ra phía trùng khơi: Còn người, còn nhà giàn.
Ở nhà giàn cô độc giữa biển khơi, những đêm khuya lặng gió, tiếng sóng biển như một bản trường ca buồn bã. Đêm ấy, anh nằm mơ. Trong giấc mơ, anh thấy mình đang lang thang trên con đường làng quen thuộc. Dưới chân, đất mềm mịn, ẩm mát, từng hạt cát nhỏ li ti dính vào gót chân. Gió từ cánh đồng thổi qua, thơm mùi cỏ mới cắt, quyện trong mùi bùn non phảng phất trong gió nhẹ.
Anh dừng lại dưới gốc đa đầu làng, ngồi tựa lưng vào thân cây, nhắm mắt và hít sâu cái hương vị quê nhà thấm đẫm vào da thịt. Tiếng trẻ con gọi nhau ríu rít vang lên. Tiếng chân trâu giẫm trên đường đất khô. Tất cả thân thuộc, gần gũi đến mức anh tưởng chỉ cần mở mắt là sẽ thấy ngôi nhà nhỏ với khung cửa gỗ đã bạc màu thời gian. Nhưng giấc mơ cũng tàn nhẫn lạ lùng.
Khi anh bừng tỉnh, trước mặt chỉ là bóng tối vô tận và tiếng sóng vỗ như tiếng thở dài của biển cả. Mùi đất đã tan biến, để lại một khoảng trống không tên trong lòng anh. Đêm ấy, anh ngồi lặng lẽ trên lan can nhà giàn, mắt nhìn về phía mặt biển đen kịt và cuộn sóng.
2. Những ngày theo đoàn công tác ra thăm các nhà giàn DK1, trong chúng tôi lẫn lộn nhiều xúc cảm. Mùa biển động, một ngày trên biển dài đằng đẵng với những con sóng hung hãn và gió rít từng cơn. Có những lúc, sau những cơn say sóng vật vã, chúng tôi cứ nhớ quay quắt phía đất liền: Nhớ nhà, nhớ cả những món ăn quen thuộc và rồi tự nhủ, khi trở lại đất liền, sẽ ăn cho bằng hết để thỏa cơn thèm.
Vậy mà khi kết thúc hải trình, những mong muốn ấy không còn quắt quay như ngày còn lênh đênh trên biển. Hóa ra, thứ mà chúng tôi nhớ quay quắt những ngày ấy không phải là một món ăn, không phải là cảm giác thèm thuồng đơn thuần mà chính là thương nhớ mùi đất liền. Xa biển, chợt thấy thương những người lính phía trùng khơi. Họ phải vượt qua nỗi nhớ đất liền trong những năm tháng rộng dài bằng cách nào?
Những ngày ấy, mỗi lần ngước nhìn trời cao nơi nhà giàn, thấy những cánh chim biển chao nghiêng trong gió, tôi chợt nghĩ: Có lẽ chúng cũng mang trong mình nỗi nhớ quê hương như những người lính biển. Nỗi nhớ ấy không chỉ là nhớ một mảnh đất, một ngôi nhà, mà là nhớ những điều rất đỗi nhỏ bé và thân thuộc. Một cơn gió mang hơi đất, mùi hương của lúa chín, hay tiếng râm ran của lũ trẻ con trong xóm nhỏ. Những điều giản dị ấy lại trở thành thứ xa xỉ nhất khi đứng giữa biển khơi.
Ngồi trò chuyện cùng những người lính, tôi hiểu thêm rằng họ không chỉ là những người canh giữ chủ quyền, mà còn là những người canh giữ trái tim mình trước những cơn sóng lòng. Có người kể, để vượt qua nỗi nhớ, họ viết thư về cho gia đình, dù đôi khi không có cơ hội gửi đi ngay. Có người lại tìm niềm vui trong việc chăm chút từng khóm rau, từng chậu hoa nhỏ được mang ra từ đất liền. Chỉ cần thấy lá xanh mướt trong cái nắng gay gắt hay nghe tiếng lá xào xạc trong gió, họ như được chạm tay vào một góc nhỏ của quê hương.
3. Tôi nhớ mãi ánh mắt của một người lính trẻ khi anh kể về gia đình, về món quà đất liền mà anh mang theo trong suốt những năm ra biển. Ngày anh lên đường, vợ anh không khóc nhiều như anh nghĩ. Chị chỉ lẳng lặng nhét vào ba lô của anh một nắm đất nhỏ bọc trong miếng vải bạc màu. Chị nói, giọng khẽ khàng như sợ lời nói vỡ tan trong gió: “Khi nào nhớ nhà, anh hãy cầm lấy nó. Đất sẽ thay em nhắc anh rằng em luôn bên anh, dù xa đến đâu”.
Nắm đất ấy, anh cẩn thận cất trong hộc tủ nhỏ của mình suốt những năm tháng gắn bó với biển xa. Có lần, sau một trận bão lớn, nhà giàn rung lắc dữ dội, nước biển tràn vào từng khe nhỏ. Trong phút chốc, anh thấy mình như đứng trên bờ vực giữa sự sống và cái chết. Khi cơn bão qua đi, anh lấy nắm đất ra, mở lớp vải, để nó nằm yên trong lòng bàn tay. Đất đã khô cứng, màu nâu ngả sẫm nhưng mùi thơm của đất thì vẫn còn đó-bền bỉ và dịu dàng như lời vợ gửi gắm.
Hóa ra, điều khiến những người lính ấy kiên trung trước mọi sóng gió không chỉ là ý chí thép mà còn là tình yêu. Tình yêu với đất liền, với gia đình và với cả những người lạ như chúng tôi-những người may mắn được bước chân lên nhà giàn, được nhìn thấy, lắng nghe, và thấu hiểu. Đó là tình yêu đã làm mềm đi những cơn sóng, xoa dịu đi những nỗi nhớ và giữ cho họ luôn đứng thẳng giữa đại dương bao la.
Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, mùi đất liền không chỉ là một hương thơm đơn thuần mà trở thành nguồn sống, niềm tin và cả một chốn đi về trong tâm tưởng của những người lính đảo, nhà giàn. Giữa mênh mông biển cả, họ sống với những ký ức về quê hương, để mùi đất quê luôn là ngọn gió dịu dàng nâng đỡ tâm hồn vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất.