Thận trọng với bánh kẹo thủ công dịp Tết

Khi lựa chọn mua bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm...

Bánh kẹo thủ công chiếm ưu thế

Những ngày này, thị trường kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo dịp Tết trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mứt Tết được bày bán đa dạng với đủ loại hương vị từ chợ truyền thống, siêu thị đến các kênh online, giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg.

Theo chủ một cửa hàng tại Hàng Buồm, mức giá 250.000 đồng/kg là dành cho những mặt hàng nhập từ các vùng Huế, Sài Gòn… với chất lượng tốt hơn và ngon hơn. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm mứt Tết tại các chợ, cửa hàng đều có điểm chung là "3 không" - không bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn.

Chủ một gian hàng tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: "Mứt ở đây là hàng nhập từ cơ sở làm thủ công. Khách quen năm nào cũng mua, chất lượng thì mọi người ăn thử đều thấy, không cần phải có bao bì mới là chất lượng".

Thị trường bánh kẹo những ngày sát Tết rất sôi động với nhiều chủng loại, mẫu mã.

Thị trường bánh kẹo những ngày sát Tết rất sôi động với nhiều chủng loại, mẫu mã.

Bên cạnh chợ truyền thống và siêu thị, các kênh bán hàng online, đặc biệt là Facebook cũng đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều người tiêu dùng trong dịp Tết. Trên các hội nhóm, fanpage bán hàng, những sản phẩm mứt Tết được giới thiệu từ các đặc sản vùng miền như mứt gừng Huế, mứt dâu Đà Lạt hay mứt vỏ bưởi Sài Gòn được rao bán rầm rộ với hình ảnh bắt mắt và lời giới thiệu hấp dẫn.

Chị Nguyễn Huyền Trang, một người bán hàng online lâu năm trên Facebook cho biết, năm nào chị cũng làm thủ công hàng tấn bánh kẹo như bánh sữa, bánh dứa, bánh hạnh nhân, mứt các loại... "Mứt bên tôi đều là hàng làm thủ công, không chất bảo quản, đảm bảo ngon và sạch nên được nhiều khách hàng tin tưởng. Giá tôi bán cao hơn giá trị trường nhưng năm nào cũng làm không ngơi tay, đơn đặt hàng rất nhiều", chị Trang cho biết.

Tuy nhiên, sự nở rộ của hình thức kinh doanh này cũng kéo theo nhiều vấn đề. Không ít trường hợp sản phẩm không giống như hình ảnh quảng cáo hoặc người mua gặp khó khăn khi muốn đổi trả. Chị Trần Thị Lan Phương cho biết: "Tôi từng đặt mứt dừa qua Facebook, ảnh quảng cáo thì mứt trắng đẹp nhưng khi nhận hàng thì lại thấy ẩm, màu ngả vàng. Nhắn lại với người bán thì họ bảo hàng handmade nên không đồng đều. Họ nói thế nào thì tôi chỉ biết như vậy, không thể nào kiểm chứng được chất lượng sản phẩm".

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, không có cơ sở nào để đánh giá những sản phẩm mứt Tết trên là không an toàn. Tuy nhiên, nguy cơ không an toàn là có, vì những sản phẩm trên không ai kiểm soát chất lượng. "Về nguyên tắc, tất cả sản phẩm bán ra thị trường đều phải có nhãn mác thể hiện nơi sản xuất, có xuất xứ. Tuy nhiên, Tết đến những người sản xuất trong gia đình thường tranh thủ tự làm mứt để kiếm thêm chút tiền nên không thể kiểm soát hết được", ông Thịnh cho biết.

Những lưu ý khi mua bánh kẹo dịp Tết

Theo chuyên gia, khi lựa chọn mua bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (xem trên nhãn mác có ký hiệu: (số thứ tự)/(năm cấp YT+ tên viết tắt tỉnh, thành phố -XNCB). Lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu.

Nên quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm). Mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ chủ quán xếp thành giỏ quà.

Các loại bánh kẹo, mứt từ các cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng thường có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng thường là do sử dụng màu công nghiệp phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng. Thêm vào đó, mùi hương hay vị của bánh kẹo hàng giả, hàng nhái sẽ có chất lượng thấp, bị mủn, bột và mùi vị không thể giống hệt như bánh kẹo thật. Cùng tạo ra một vị chua, vị ngọt nhưng khi sản xuất sử dụng thành phần chưa được cấp phép thì vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như thường.

Các loại bánh kẹo có màu sắc lòe loẹt là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, do quy trình sản xuất không kiểm soát chất lượng, không đảm bảo vệ sinh nên bánh kẹo giả có nguy cơ cao bị nhiễm kim loại nặng như aluminum, chì cũng như các vi khuẩn như Salmonella, E. coli và nhiều vi sinh vật có hại khác dẫn đến đe dọa đến sức khỏe người dùng.

Để đón Tết an toàn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cả gia đình, mỗi người dân cần lưu ý chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, được phép kinh doanh thực phẩm, thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để có một mùa Tết an toàn và trọn vẹn, ngoài việc lưu ý về sản phẩm bánh kẹo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu cũng như tránh chọn mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe và nên chọn mua tại những nơi uy tín, chất lượng và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, người dân khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, cần chủ động thông tin, báo ngay đến các cơ quan có thẩm quyền như Chi Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, chính quyền địa phương… nhằm có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/than-trong-voi-banh-keo-thu-cong-dip-tet-16925012310431977.htm
Zalo