Tâm tình của những người vợ lính
Là vợ của lính Biên phòng, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) chưa khi nào là dễ dàng, bởi sự thiếu vắng thường xuyên bóng dáng người chồng, người cha trong gia đình và đôi khi phải chấp nhận mất mát, thương đau để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các chị cũng nỗ lực để xứng đáng là hậu phương vững chắc của người lính.
Trong suốt câu chuyện, chị Ngô Thị Thuần (vợ của cố Đại tá Bùi Đức Trung, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, Cục PCMT&TP ĐBBP) chứa chan xúc động, như thể chồng mình vẫn đang ở bên, dù anh đã đi xa. Chị Thuần cho biết, chị và các con tự hào không chỉ vì những chuyên án mà chồng và đồng đội đã đạt được, mà còn vì lối sống luôn vì người khác của anh. Có lần, chị Thuần nhận được bức thư tay của đôi vợ chồng gửi từ Quảng Trị (nơi anh Trung công tác), gửi lời cảm ơn chị và gia đình. Trong thư viết, mấy tháng trước, anh Trung đã cho 5 triệu đồng để anh chị sửa lại chái bếp và xây cái chuồng lợn để chăn nuôi, cải thiện đời sống. Có thể, với người vợ khác sẽ rất giận, nhưng chị Thuần lại không buồn vì anh đã từng viết thư tâm sự: “Chắc em cũng hiểu rằng, anh không thể tiết kiệm hơn trong những ngày ở cùng với nhân dân ở đây. Dù anh không đưa tiền thì bà con vẫn vui vẻ khi có bộ đội ở nhà mình, nhưng anh không thể làm ngơ khi thấy người cưu mang mình phải ăn cơm độn khoai, sắn, các cháu đi học không có quyển vở, ngòi bút. Anh coi bà con cũng như người thân trong gia đình mình vậy".
Đặc thù công việc khiến thời gian của cố Đại tá Bùi Đức Trung là những ngày dài thường xuyên đi công tác. Theo chị Thuần, lần nào anh về cũng đều bất ngờ và khi đi không báo trước, rất ngắn ngủi, nhưng là những ngày vô cùng hạnh phúc. Chị Ngô Thị Thuần chia sẻ: “Hơn 20 năm vợ chồng nhưng số ngày ở bên ít hơn nhiều với ngày xa nhau. Bởi vậy mà giờ đây, anh đã đi rất xa nhưng đôi lúc, tôi và các con chỉ cảm thấy anh ấy đang đi công tác mà thôi”. Niềm an ủi của chị Thuần đó là đồng chí, đồng đội và những người bạn chung của anh chị vẫn thường xuyên ghé thăm nhà, gọi điện, nhắn tin thăm hỏi, động viên. Bởi vậy mà dù đau đớn khi mất chồng, nhưng chị tự dặn lòng mình phải cố gắng và chị vẫn nói với các con, phải sống sao cho xứng đáng với với những tình cảm, sự quan tâm của đồng đội của bố.
Theo Thượng tá Phạm Thái Hòa, Trưởng phòng PCMT&TP, BĐBP Sơn La, năm nào cũng vậy, ngày lễ, Tết, Ngày thành lập lực lượng BĐBP, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, ngoài đoàn của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thì chỉ huy Phòng PCMT&TP, BĐBP Sơn La luôn đều đặn thăm hỏi, động viên và đến thắp hương cho liệt sĩ Lù Công Thắng - người đã hi sinh khi đánh bắt tội phạm ma túy vào ngày 31/7/2010. Thượng tá Phạm Thái Hòa cho biết: “Sự ra đi của đồng chí Đại úy Lù Công Thắng là niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La. Sự quan tâm đối với gia đình đồng chí không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm đồng chí, đồng đội và là tình cảm giữa con người với con người”.
Câu chuyện đau thương của hơn 14 năm trước giờ đây mang sắc màu của hạnh phúc. Đó là việc Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã tuyển dụng vợ của liệt sĩ Lù Công Thắng là chị Tòng Thị Khong làm y sĩ. Hiện nay, chị Tòng Thị Khong mang quân hàm Đại úy, công tác tại Đồn Biên phòng Chiềng On. “Suốt những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy; chỉ huy Phòng PCMT&TP và Đồn Biên phòng Chiềng On luôn tạo điều kiện tốt nhất để tôi công tác và chăm sóc gia đình. Đối với mẹ con tôi, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La không chỉ là đồng chí, đồng đội, mà còn trở thành người thân trong gia đình. Tôi luôn nhắc nhở con trai phải học tập thật tốt để xứng đáng với sự hi sinh của bố và sự quan tâm của mọi người” - chị Tòng Thị Khong chia sẻ.
Ấn tượng ban đầu về Đại úy Nguyễn Sĩ Thống, trinh sát viên Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam (Cục PCMT&TP ĐBBP) là tính khiêm nhường, lối sống giản dị. Thế nhưng, những thành tích mà anh đã đạt được trong công tác lại trái ngược với lối sống khiêm nhường của mình. Nhận công tác từ năm 2019, 4 năm liền, anh đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ năm 2021-2024); được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 tặng Bằng khen vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác. Theo Đại úy Nguyễn Sĩ Thống, những thành tích ấy sẽ không thể có được nếu không có một hậu phương vững chắc. Đó là người vợ đảm đang, hiểu chuyện, gác những thiệt thòi sang một bên để chăm nuôi con khỏe mạnh, học giỏi và thay chồng đối nội, đối ngoại.
Đại úy Nguyễn Sĩ Thống rất thương vợ vì lương mang về cho vợ chẳng đáng bao nhiêu, bởi cuộc sống đắt đỏ của thành phố mà anh lại vắng nhà quanh năm. Đại úy Nguyễn Sĩ Thống bảo, anh rất nể phục vợ vì là phái yếu nhưng có sức mạnh phi phường. Chồng đi xa nhà, một mình chăm sóc, nuôi dưỡng 2 con chu toàn, dù hàng ngày vẫn phải đi làm việc cách nhà gần 20 cây số. Hậu phương vững chắc là bệ đỡ để Đại úy Nguyễn Sĩ Thống phấn đấu công tác, dù anh vẫn luôn cảm thấy chưa vẹn toàn với gia đình. Năm ngoái, theo phân công, anh trực Tết trên biên giới An Giang nên rất hi vọng năm nay sẽ được trực ca 2 để có đêm giao thừa sum vầy, trọn vẹn với vợ con.