Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn: Cần thí nghiệm để đánh giá độ chống chịu gió

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có nhịp lớn, kết cấu dầm mảnh, cần tính kỹ về độ ổn định, khả năng chống chịu gió.

Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM để đóng góp ý kiến dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (kết nối công viên bến Bạch Đằng, quận 1 với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức).

 Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đòi hỏi cao về thiết kế, khả năng chống chịu gió. Sở GTVT TP cung cấp

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đòi hỏi cao về thiết kế, khả năng chống chịu gió. Sở GTVT TP cung cấp

Theo đó, Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng cho rằng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có các yêu cầu cao về thiết kế.

Cụ thể, cầu đi bộ có nhịp lớn, kết cấu dầm mảnh, mái vòm cầu được phủ một lớp màng ETFE nên cầu rất nhạy cảm với gió.

"Vì vậy, ngoài việc tính toán sức kháng gió (về cường độ, về dao động) của kết cấu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án thì chủ đầu tư cần thực hiện thí nghiệm hầm gió bằng mô hình cầu đầy đủ để đánh giá độ ổn định gió của công trình cầu", văn bản nêu rõ.

Về dao động cầu, Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng cho biết theo tiêu chuẩn AASHTO LRFD, tần số dao động cơ bản theo phương thẳng đứng của cầu không có hoạt tải phải lớn hơn 3,0Hz; theo hướng còn lại tần số dao động cơ bản của cầu phải lớn hơn 1,3Hz.

"TP.HCM cần tính toán dao động của cầu cho trường hợp có hoạt tải và không có hoạt tải, tránh xảy ra hiện tượng cộng hưởng trong quá trình khai thác", văn bản của Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng khuyến nghị.

Về mặt cắt ngang cầu chính, theo bản vẽ thiết kế cơ sở, trên mặt cắt ngang cầu chính, dầm biên sử dụng ống thép D800mm. Tại thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi, các bảng tính toán sơ bộ, dầm biên dạng hộp thép chưa thống nhất với bản vẽ, văn bản của Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng lưu ý.

Về cáp treo: theo thiết kế, cáp treo nối từ vòm cầu với dầm cầu chính để đỡ dầm, đồng thời giữ ổn định gió và chống rung ngang dầm do tải trọng người đi bộ gây ra. Hệ thống này bao gồm: cáp chéo nối vòm biên với dầm chính, cáp trung tâm ở giữa nối vòm giữa với dầm chính.

"Tuy nhiên, các loại cáp này bố trí theo từng đoạn dọc cầu, không bố trí đồng thời trên mặt cắt ngang sẽ khó đảm bảo ổn định tổng thể trên toàn cầu", văn bản Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng góp ý.

Vì vậy, cần nghiên cứu tính toán, bố trí đồng thời các cáp chéo và cáp trung tâm trên cùng mặt cắt ngang cầu một cách hợp lý nhằm tăng độ cứng và tần số dao động riêng của cầu.

Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng đánh giá bảng tính toán kết cấu công trình chưa đầy đủ, chưa tính toán ổn định xoắn của cả hệ kết cấu cầu chính và nén uốn vòm, độ võng của dầm chính, tải trọng nhiệt độ, phần bản hẫng cầu chính phía quận 1 và các hạng mục khác như bậc thềm...

Theo Sở GTVT TP, dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 261m, với nhịp chính vòm treo dây văng dài 187m và mặt cắt ngang từ 7m đến 11m.

Cầu dẫn phía quận 1 dài 285m, phía TP Thủ Đức có hai nhánh dài lần lượt 290m và 165m. Tổng vốn đầu tư lên đến 996,970 tỉ đồng, được tài trợ toàn bộ bởi Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood.

Cây cầu này không chỉ đơn thuần là một công trình hạ tầng mà còn có vai trò kết nối hai khu vực quan trọng của TP.HCM. Dự án sẽ kết nối quận 1 (trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ) và Thủ Thiêm (khu đô thị hiện đại trong tương lai, giúp thúc đẩy kinh tế, du lịch và văn hóa).

Hiện nay, TP.HCM đang thực hiện các bước chuẩn bị để khởi công dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, kết nối Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) với Công viên bờ sông khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Dự án trị giá gần 1.000 tỉ đồng không chỉ mang đến sự thuận tiện cho người đi bộ mà còn kỳ vọng trở thành điểm nhấn kiến trúc hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thống nhất chủ trương khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn vào ngày 29-3.

Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường chấp thuận chủ trương sử dụng một phần công viên phía TP Thủ Đức và một phần công viên Bến Bạch Đằng phía quận 1 để tổ chức thi công công trình, giảm thiếu tối đa phần diện tích chiếm dụng.

Các cơ quan có trách nhiệm chủ động phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện dự án để kịp khởi công vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-di-bo-qua-song-sai-gon-can-thi-nghiem-de-danh-gia-do-chong-chiu-gio-post834253.html
Zalo