Cất lên giai điệu tự hào

Không chỉ là những giai điệu cất lên trong khoảnh khắc lịch sử, các ca khúc cách mạng còn là tiếng nói của một dân tộc bước ra khỏi chiến tranh, hướng về hòa bình và tương lai phát triển. Âm nhạc không chỉ ghi dấu thời đại mà còn là ký ức sống động, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một bản trường ca của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

"Đất nước trọn niềm vui" - khúc khải hoàn đón ngày vui thống nhất

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng của những bài ca bất hủ, đã truyền lửa đến trái tim người nghe nhiều thế hệ. Mỗi khúc ca mang một câu chuyện gắn liền với lịch sử, để qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị của một chiến thắng đã làm nên một Việt Nam của thời đại mới. Trong đó, có “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại Hà Nội. Sau khi nghe tin quân ta đang thẳng tiến về Sài Gòn, cảm xúc trong ông đã dâng trào, những giai điệu của bài hát vì thế đã thể hiện niềm hạnh phúc vô biên về một ngày vui của dân tộc đang đến rất gần.

“Hội toàn thắng náo nức đất nước

Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang

Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam

Tổ quốc anh hùng”.

Nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" ở thời điểm chưa có rừng cờ chiến thắng, chưa được đi trong muôn ánh sao vàng cờ đỏ tung bay. Đó hoàn toàn là niềm cảm hứng của người nghệ sĩ, là niềm vui trong tâm hồn, trong mơ ước, là khát vọng của nhạc sĩ về ngày thống nhất non sông.

Có lẽ khi đó, nhạc sĩ Hoàng Hà dự cảm, không chỉ riêng ông mà hàng triệu người dân Việt Nam cũng sẽ vui cùng niềm vui dân tộc khi tin chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh dồn dập bay tới khắp mọi miền Tổ quốc.

Sau khi sáng tác xong, ngay sáng 27/4/1975, ông đem tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam để dàn dựng. Nhạc sĩ Nguyễn An lúc đó là Tổ trưởng Biên tập nhạc đọc và duyệt, rồi giao ngay cho nhạc sĩ Triều Dâng dựng. Nghệ sĩ Trung Kiên là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Bài hát còn được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng ngày 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Sức sống của khúc khải hoàn “Đất nước trọn niềm vui” bền bỉ với thời gian và luôn được nhắc nhớ mỗi khi tới dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bên cạnh nhiều ca khúc cách mạng khác.

Thanh xuân có tiếng súng và những giai điệu tự hào

Nhập ngũ khi 17 tuổi, cách đây hơn 50 năm, bà Từ Liên - Chủ nhiệm CLB Văn hóa Nghệ thuật Trường Sơn thành phố Hà Nội khoác lên người màu áo lính thuộc đại đội thông tin tuyến đường 20 quyết thắng, rồi tham gia đội tuyên văn binh trạm 14. Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, bằng cả trái tim, bà và đồng đội đã mang lời ca tiếng hát cổ vũ tinh thần các chiến sĩ nơi tiền tuyến.

Bà Liên chia sẻ: "Chúng tôi hát bằng tất cả trái tim người chiến sĩ để phục vụ anh chị em ra mặt trận. Có những hôm pháo sáng, bom rơi đạn nổ nhưng đội vẫn đứng trên thùng xe coi đó là sân khấu và hát với cả trái tim của mình, hát bằng cả những tâm hồn của người lính".

Sau khi đất nước thống nhất, khi đi biểu diễn cùng các đồng đội trong CLB Văn hóa Nghệ thuật Trường Sơn, danh sách các bài hát biểu diễn của các thành viên có thêm một ca khúc đặc biệt, đó là bài "Đất nước trọn niềm vui". Nhạc sĩ Hoàng Hà đã thay lời cho triệu triệu người dân thể hiện niềm hân hoan tột cùng của cả dân tộc mừng chiến thắng, diễn tả trọn vẹn khí thế của ngày đất nước ca khúc khải hoàn.

Điều khiến cho “Đất nước trọn niềm vui” được yêu mến chính là âm điệu và lời ca đúng như tên bài hát đã đặt ra. Giai điệu bài hát như niềm vui đã được dồn nén nay gặp thời khắc lịch sử hân hoan mà vang lên từng nhịp, ca từ như nhảy múa hát ca, như reo rắc niềm vui với người nghe, người hát. Một ca khúc mà niềm vui lấp lánh trên mỗi ca từ.

Là một trong số những ca sĩ thể hiện ca khúc này trong suốt hàng chục năm qua, ca sĩ Tạ Minh Tâm lại càng cảm nhận chiều sâu và ý nghĩa của từng ca từ, từng giai điệu mà nhạc sĩ Hoàng Hà gửi gắm trong tác phẩm.

Ca sĩ Tạ Minh Tâm cho biết: "Chính bài hát đó đã dắt tôi vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Hà ở Vũng Tàu gần 20 năm trước, đó là lần gặp duy nhất và anh Hoàng Hà rất vui mừng, bản thân tôi thì cũng rất xúc động. Nhạc sĩ có chia sẻ với tôi rằng, có nhiều người trình bày nhưng có cảm giác là bài hát chờ Tạ Minh Tâm thể hiện để nó được bùng cháy".

Có thể thấy sức sống mạnh mẽ, trường tồn của những ca khúc cách mạng, luôn gắn liền với lòng tự hào dân tộc và truyền thống vẻ vang, bất khuất, kiên trung của lớp lớp thế hệ ông cha đi trước, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và trong thời điểm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, những bài ca đó càng được vang lên nhiều hơn, thay cho tiếng lòng của mọi người dân đất Việt.

Tri ân Tổ quốc bằng âm nhạc

Bên cạnh các nhạc sĩ lớn tuổi, có không ít nhạc sĩ trẻ mong muốn truyền tải niềm tự hào về lịch sử giữ nước của dân tộc qua các sáng tác của mình. Trong đó, có Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) - có gần 20 năm khoác áo lính, là một nghệ sĩ, chiến sĩ của quân đội đã sáng tác, phối khí nhiều bài hát về Đảng và Bác Hồ, với tình yêu, lòng thành kính và sự ngưỡng mộ. Như một việc làm ý nghĩa kế thừa và phát huy truyền thống cha anh, tiếp tục sáng tạo, viết nên những bản hùng ca mới về đất nước, con người Việt Nam để tri ân các thế hệ đi trước.

Là một người chiến sĩ sống trong thời bình, Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn đã có nhiều cống hiến cho âm nhạc. Đặc biệt, anh tâm huyết với đề tài về cách mạng và hình tượng người lính. Tác phẩm "Có Đảng sáng soi vững bước ta đi" được sáng tác theo thể loại dân gian, kết hợp nhạc cụ dân tộc với nhạc điện tử, có giai điệu tươi sáng, đã mang lại một sự mới mẻ, trẻ trung cho dòng nhạc cách mạng đương thời.

Trung tá, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn chia sẻ: "Những ca khúc mà được vang lên trong đợt 30/4 là những ca khúc mà vượt chiều dài lịch sử đất nước và đến ngày nay nó vẫn tồn tại. Đó là minh chứng cho giá trị nghệ thuật của những ca khúc. Để tiếp bước và tiếp lửa truyền thống, những sáng tạo của người trẻ như Tuấn hiện nay cần phải đổi mới để tiếp cận được đại đa số công chúng yêu âm nhạc, để chúng ta truyền tải những thông điệp cho mỗi khán thính giả".

Thông qua các sáng tác của mình, Tạ Duy Tuấn mong muốn mang tới cho khán thính giả và đặc biệt là các đồng chí, đồng đội những giá trị nghệ thuật, qua đó thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới những người lính đã chiến đấu, ngã xuống vì độc lập, tự do và hòa bình của thế hệ hôm nay và mai sau.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cat-len-giai-dieu-tu-hao-324663.htm
Zalo