Con dâu biếu bố mẹ ruột 70 triệu tiêu Tết, còn biếu mẹ chồng có 7 triệu
Câu chuyện của bà Tề khiến cho nhiều người phải suy ngẫm về việc làm mẹ, làm bà và cuộc sống tuổi già.
Ảnh minh họa.
Câu chuyện của bà Tề Lệ Mai (Trung Quốc) dưới đây trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán khiến cho cư dân mạng phải suy ngẫm.
---
Tôi là Tề Lệ Mai, năm nay 60 tuổi. Tôi đã ở nhà con trai để chăm cháu suốt 7 năm qua. Chỉ vào dịp Tết, tôi mới có thể đoàn tụ với chồng vài ngày. Chồng tôi nhỏ hơn tôi 3 tuổi, còn vài năm nữa mới về hưu. Vì chăm cháu cho nhà con trai, chúng tôi phải sống xa cách hai nơi.
Năm nay, gần đến Tết, con dâu đưa tôi 2000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) nói là cho tôi tiền tiêu Tết. Nhưng ngay sau đó, con dâu lại bảo tôi đi siêu thị mua ít đồ Tết, đặc biệt nhấn mạnh những món cần mua. Số tiền ấy hoàn toàn không đủ.
Tối hôm đó, điện thoại của bà thông gia bất ngờ gọi đến khiến con dâu phải ra ban công nghe máy. Tôi nghe loáng thoáng cuộc trò chuyện, trong đó con dâu nhỏ nhẹ thông báo rằng, khi nhận được tiền thưởng cuối năm của hai vợ chồng, họ sẽ gửi tặng bố mẹ ruột 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu đồng) để tiêu Tết. Ngoài ra, con dâu cũng đã đặt sẵn vé tàu và khách sạn cho chuyến đi. Cô còn nhắc nhở bố mẹ ở nhà chuẩn bị đón tiếp vì vợ chồng cô, cháu trai sẽ đến thăm và cùng nhau đi chơi trong dịp lễ này.
Ngồi trên ghế sofa trong phòng khách, tôi lặng lẽ nghe con dâu vui vẻ trò chuyện với bà thông gia. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, mình chỉ là một bảo mẫu miễn phí. Tôi đã bỏ sức lao động, thời gian, tiền bạc nhưng đến cuối cùng lại trở thành một chiếc "máy rút tiền" cho người khác.
---
Chúng tôi thuộc thế hệ chỉ có một con. Khi con trai chào đời, chồng tôi từng nói đùa: "Có gì ăn nấy, phải để dành tiền sau này cưới vợ cho con". Lúc đó tôi còn thấy câu nói ấy hài hước nhưng giờ ngẫm lại thì mới hiểu. Cả đời chúng tôi làm lụng vất vả, giành dụm tất cả chỉ để tổ chức đám cưới cho con trai. Sau một đám cưới, chúng tôi rơi vào cảnh nghèo khó như trở lại thời kỳ "trước giải phóng".
Chúng tôi trả tiền đặt cọc mua nhà cho con trai, bỏ 88.000 tệ tiền sính lễ (khoảng 300 triệu đồng), mua xe hết hơn 100.000 tệ (khoảng 350 triệu đồng). Đám cưới kèm theo đủ loại chi phí lặt vặt đã khiến chúng tôi gần như sạch túi, may mắn là không phải vay mượn.
Chồng tôi thường thở dài: "Sinh con gái thì được nhờ, sinh con trai thì chỉ có cái tiếng". Cả đời tiết kiệm, chẳng dám ăn ngon mặc đẹp, đến cả tiền dưỡng già cũng đưa hết cho con. Nhưng chỉ cần con trai hài lòng, con dâu vui vẻ, với chúng tôi, đó đã là kết cục tốt đẹp nhất.
Ngày trước, con trai tôi mỗi tháng đi làm đều đưa tiền về cho bố mẹ. Sau khi cưới, cũng không quên tiền tiêu Tết cho bố mẹ. Nhưng bây giờ, con cái không những không đưa tiền mà còn đòi bố mẹ hỗ trợ.
---
Tôi nghỉ hưu từ năm 50 tuổi. Để tích lũy thêm một khoản tiền cho cuộc sống hưu trí, tôi đã làm việc tại một siêu thị với vai trò nhân viên sắp xếp hàng hóa trong suốt 3 năm. Mỗi ngày làm theo ca, tháng kiếm được 2600 tệ (khoảng 9 triệu đồng). Mặc dù mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng vì không có tiền thì tuổi già càng khổ hơn.
Khi con dâu sinh cháu, mẹ của cô ấy cũng đã nghỉ hưu nhưng bà ấy nói cần tận hưởng cuộc sống, dành thời gian bên chồng. Vì vậy, tôi – là mẹ chồng, phải đến nhà con trai trông cháu. Ở nhà con trai nhiều năm, tôi và chồng phải sống xa nhau, chỉ dịp lễ Tết mới gặp mặt.
Bà thông gia từng nói, nếu tôi mệt thì cứ nói, hai bên sẽ thay phiên chăm cháu nhưng đó chỉ là lời nói khách sáo. Thực tế, mỗi khi tôi đề cập đến việc bà thông gia thay, bà ấy hoặc kêu đau ốm, hoặc viện lý do bận rộn.
Nếu con dâu phải nhờ mẹ mình đến giúp, cô ấy liền tìm cách gây sự với con trai tôi. Cuối cùng, tôi chỉ đành nhẫn nhịn. Qua nhiều năm chăm cháu, từ cân nặng 65kg, giờ tôi còn chưa đến 50kg. Bà thông gia còn trêu tôi: "Già rồi, gầy một chút là tốt". Nhưng tôi biết, thân thể gầy gò này là vì kiệt sức mà ra.
---
Tiền hưu của tôi không cao, lúc đầu chỉ hơn 2000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), sau nhiều năm tăng lên được 3000 tệ (khoảng hơn 10 triệu đồng). Con dâu mỗi tháng đưa tôi 3000 tệ nói là tiền sinh hoạt, nghe thì nhiều nhưng thực tế không đủ. Khi cháu đi nhà trẻ, tiền sinh hoạt ấy không chỉ dùng cho ăn uống mà còn phải đóng học phí.
Những chi phí như tiền điện, nước, gas, phí quản lý... con dâu đều bảo tôi đóng. Đôi khi cô ấy còn nói: "Mẹ cứ coi tiền dư là tiền tiêu vặt của mẹ". Nếu tôi than phiền, sẽ bị cho là không biết điều. Nếu không nói gì, tôi đành phải bù đắp bằng tiền của mình. Ngay cả Tết, tôi vẫn phải chuẩn bị lì xì và quà cáp cho cả nhà con trai. Lương hưu của tôi không đủ dùng, đôi khi còn phải xin thêm từ chồng.
Năm nay, khi con dâu đưa tôi 2000 tệ tiêu Tết nhưng vẫn yêu cầu mua thêm đồ Tết, tôi không còn nhẫn nhịn nữa. Con dâu còn lên kế hoạch cho bố mẹ mình du lịch, trong khi tôi chỉ nhận được sự bất công và đối xử lạnh nhạt.
Tôi quyết định về quê, đoàn tụ với chồng và sống cuộc sống của riêng mình. Con cái muốn ở đâu, ăn Tết với ai là tùy chúng. Tôi không còn hy vọng vào lòng hiếu thảo từ chúng nữa.
“Con cháu có phúc của con cháu, đừng làm trâu ngựa vì chúng”. Từ nay, tôi sẽ sống cho chính mình, chăm lo cho chồng và tận hưởng tuổi già.