Cấp thiết 'giữ chân' nhân lực y tế

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu và 'chảy máu' nguồn nhân lực y tế luôn là vấn đề nan giải của Hải Dương và nhiều địa phương trong cả nước.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút, "giữ chân" nguồn nhân lực y tế cần tiếp tục được bổ sung (ảnh minh họa)

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút, "giữ chân" nguồn nhân lực y tế cần tiếp tục được bổ sung (ảnh minh họa)

Lần gần nhất, Hải Dương có những đánh giá về thực trạng nhân lực là vào cuối năm 2024, khi HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.

Trong đó có những số liệu cụ thể đánh giá thực trạng về nhân lực ngành y rất đáng suy ngẫm. Đó là Hải Dương đang rất thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở và một số chuyên ngành khó tuyển như: Tâm thần, pháp y, truyền nhiễm, lao, giải phẫu bệnh, hồi sức cấp cứu - chống độc. Từ năm 2020 - 2023, toàn ngành có 215 công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 61 bác sĩ. Đặc biệt, năm 2023 có 50 nhân viên y tế xin thôi việc để sang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 18 bác sĩ. Số lượng bác sĩ tuyển dụng được hằng năm ít, như năm 2023 chỉ tuyển được 29 bác sĩ.

Số nhân lực y tế tính đến ngày 31/3/2024 là 7.434 người, gồm 53 công chức (đạt 93% chỉ tiêu được giao), 7.371 viên chức (đạt 82,1% chỉ tiêu được giao). Theo thống kê số bác sĩ còn thiếu là 388 người. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có 19 bác sĩ/vạn dân thì cần 3.713 bác sĩ. Do đó dự kiến sẽ thiếu khoảng 1.505 bác sĩ.

Nghị quyết số 39/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 thực sự là một cú hích của tỉnh Hải Dương trong hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Để thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, Hải Dương hỗ trợ từ 150 - 500 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng dành cho tiến sĩ, các bác sĩ chuyên khoa II làm việc ở các chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu.

Với những mức hỗ trợ khá cao, thiết thực, Nghị quyết số 39/2024/NQ-HĐND đã dần khắc phục những bất cập trong cơ chế thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những trăn trở về mức thu nhập hằng ngày, hằng tháng của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong các cơ sở công lập chưa thực sự tương xứng với những vất vả, áp lực công việc của họ.

Nói chuyện với một số nhân viên y tế ở những bệnh viện lớn trong tỉnh, tôi thấy nỗi niềm chung vẫn là mức lương, phụ cấp chưa cao. Một điều dưỡng viên có hơn 10 năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết mức phụ cấp tiền trực trong ngày thường chỉ có 86.000 đồng và cuối tuần thì được 165.000 đồng. Một nhân viên y tế ở Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết máy móc, trang thiết bị còn hạn chế, vật tư y tế thiếu càng khiến công việc hằng ngày căng thẳng, áp lực hơn. Họ cũng cho biết các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết số 39/2024/NQ-HĐND chưa có độ bao phủ đủ lớn về đối tượng thụ hưởng. Có người có nguyện vọng đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ...

Trước yêu cầu công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng cao và áp lực ngày càng lớn, câu hỏi vì sao cùng với trình độ chuyên môn nhưng bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ở cơ sở tư nhân lại có thu nhập, đời sống tốt hơn những người làm ở cơ sở công lập rất cần sớm có lời giải. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút, "giữ chân" nguồn nhân lực y tế cần tiếp tục được sớm hoàn thiện và đi vào thực tiễn.

HOÀNG LONG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cap-thiet-giu-chan-nhan-luc-y-te-405676.html
Zalo