Giải bài toán 30.000 nhân lực ngành game

Để đạt được doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới, ngành game Việt Nam cần đột phá nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng.

Ngành game Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Ngành game Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Cần 30.000 nhân lực ngành game

Lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm và mức lương hấp dẫn cho các vị trí then chốt như thiết kế và lập trình game tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist khoảng 389 triệu đồng/năm. Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình như marketing, quảng cáo, streamer…

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 15% của ngành game, ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu doanh thu ngành này tăng lên 1 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tăng mạnh số doanh nghiệp game, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên 100-150 doanh nghiệp và kêu gọi khoảng 400 start-up sản xuất game tham gia cộng đồng.

Ngành thông tin và truyền thông cũng mong muốn xây dựng ít nhất 5 trường đại học, 10 trung tâm đào tạo chính quy về ngành game, với năng lực đào tạo 5.000 nhân lực trình độ đại học và 10.000 nhân lực nghề.

Theo dự báo của ngành này, trong 2-3 năm tới, Việt Nam cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game, bao gồm các vị trí lập trình, thiết kế game và marketing, đặc biệt ở lĩnh vực thiết kế đồ họa.

Để đạt được mục tiêu trên, quy mô và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố đầu tiên mà ngành game phải đáp ứng. Với nguồn nhân lực khiêm tốn như hiện tại, các công ty game Việt Nam chủ yếu sản xuất game đơn giản, “mì ăn liền”. Thị trường thực sự thiếu nhà thiết kế game, thiếu một lực lượng sáng tạo đột phá. Số liệu tổng hợp từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, có khoảng 50% game di động phổ biến hiện nay có xuất xứ từ Việt Nam - được làm một phần hoặc viết hoàn toàn. Người Việt chiếm ưu thế rất lớn về những game đơn giản.

Mặt khác, nhân sự làm game tại Việt Nam chủ yếu là các những người học lĩnh vực khác, như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa…, có đam mê về ngành game, nên doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian đào tạo. Do rào cản này, Việt Nam không thể làm được các sản phẩm game đạt được trình độ cao của quốc tế.

Có thể thấy rằng, thiếu hụt nhân lực ngành game là một trong những nguyên nhân chính cản đà phát triển của ngành game tại Việt Nam. Nếu sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ ngày càng chủ động phát triển những game lành mạnh, hấp dẫn, coi ngành game như một lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ, tương tự phim ảnh, hội họa…, mang lại nguồn doanh thu lớn cho đất nước.

Đào tạo game chính quy

Năm nay, ngành thông tin và truyền thông tập trung triển khai các nhiệm vụ để vừa quản lý tốt, vừa thúc đẩy ngành game phát triển. Theo đó, xây dựng và ban hành mã ngành, mã nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng, tập trung vào lĩnh vực thiết kế, lập trình, đồ họa, quản trị cho dự án game.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, quan trọng nhất là phải thay đổi định kiến về ngành game. Ngành game có nhiều điều tốt đẹp, nhưng trước giờ toàn bị nói về những điều tiêu cực. Trong khi đó, game là ngành đóng góp rất tốt vào sự phát triển của đất nước, là ngành thu hút đầu tư nước ngoài, kiếm ngoại tệ về cho Việt Nam. Ngành game cũng là ngành khởi nghiệp rất dễ. Chưa có ngành nào chỉ cần ngồi tại nhà, có kiến thức về lập trình, viết game là có thể kiếm được tiền từ thế giới dễ dàng như ngành game.

“Có những em mới 9-10 tuổi, nhưng kiếm được cả triệu USD trên Roblox. Có những doanh nghiệp game là công ty đứng thứ 5 trên thế giới về doanh thu, có thể gọi là kỳ lân, nhưng không ai biết đến họ...”, ông Do cho biết.

Ở góc độ trực diện, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech nhận xét, Việt Nam hiện vẫn thiếu các chương trình đào tạo chuẩn, bài bản về ngành game. Đó phải là chương trình được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thế giới; có đội ngũ chuyên gia trình độ tham gia giảng dạy; có hỗ trợ, kết nối việc làm cho sinh viên.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty VTC cũng cho rằng, game được coi là một ngành, nên đã hình thành nghề, nhưng lại chưa có cơ sở đào tạo và cấp bằng về nghề game một cách chính quy. Chính vì thế, để ngành phát triển lâu dài, cần đào tạo một cách bài bản. Đối với một sản phẩm game, khâu thiết kế game là quan trọng nhất, nhưng ở Việt Nam, công đoạn này vẫn còn yếu, nên cần bắt đầu đào tạo từ khâu này.

Còn theo TS. Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CdiT (Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông), để đào tạo người làm game trình độ cao, cần ít nhất 4 năm, cung cấp kiến thức liên ngành, nền tảng khoa học tự nhiên, kết hợp văn hóa - xã hội, gần đây có cả marketing, luật, thậm chí phải biết đồ họa. Để tiến tới mục tiêu tỷ đô, ngành game cần chương trình đào tạo chuyên sâu với sự hỗ trợ của cơ quan, ban, ngành; cần các công ty lớn chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm và cả điểm thực tập...

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-bai-toan-30000-nhan-luc-nganh-game-d248076.html
Zalo