Cảnh giác khi đặt phòng qua mạng

Mùa hè đang đến gần cũng là mùa du lịch nội địa bùng nổ. Nắm bắt cơ hội này, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh các trang fanpage, website của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nhằm lừa đảo du khách đặt phòng qua mạng.

Phiếu đặt phòng được những kẻ lừa đảo làm giả khá tinh vi, không khác gì các phiếu đặt phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chính chủ

Phiếu đặt phòng được những kẻ lừa đảo làm giả khá tinh vi, không khác gì các phiếu đặt phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chính chủ

Mới đây, có việc phải vào Đà Nẵng, chúng tôi lên mạng tìm kiếm trang fanpage của một số khách sạn để đặt phòng. Sau khi xem các clip review giới thiệu về các dịch vụ, chúng tôi chọn khách sạn Canvas Danang Beach Hotel ở trục đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn. Khách sạn 4 sao này theo đánh giá của một số du khách đã lưu trú trên trang booking.com khá ổn với hầu hết thang điểm cho các dịch vụ đều trên 9.0. Do vậy, tôi inbox (nhắn tin) qua trang facebook của khách sạn để đặt phòng. Sau khi nắm rõ nhu cầu về phòng ốc, thời gian, nhân viên trả lời tin nhắn chốt giá cho 2 đêm nghỉ dưỡng khoảng gần 3 triệu đồng và yêu cầu tôi chuyển khoản trước 50% giá trị, tức gần 1,5 triệu đồng.

Lúc đầu, tôi cũng không mảy may suy nghĩ và định chuyển khoản luôn, song do có công việc cần xử lý gấp nên tôi hẹn đến chiều sẽ chuyển khoản. Đúng hẹn, tôi nhắn hỏi số tài khoản thì nhận được thông tin nhận chuyển khoản là Công ty TMDV NEW HOUSE; số tài khoản: 070151826332 - Ngân hàng Sacombank. Lúc này tôi bắt đầu ngờ ngợ vì tên công ty nửa Việt, nửa Anh và yêu cầu nhân viên nọ cho số điện thoại của khách sạn để kiểm tra thông tin. Khi nhận được số điện thoại tôi lập tức gọi điện thì người trả lời là một nam thanh niên nói giọng Bắc khá trẻ, xác nhận là lễ tân của khách sạn. Dù vậy, khi tôi hỏi số điện thoại bàn thì người này nói khách sạn chỉ có số di động: 0868513912 và không sử dụng điện thoại bàn. Lúc này tôi càng cảnh giác và lập tức vào trang google tìm kiếm thông tin về khách sạn nêu trên. Không lâu sau đó, tôi đã tìm được số điện thoại bàn chính chủ của khách sạn. Khi gọi vào số điện thoại bàn, tôi được lễ tân trả lời là khách sạn không nhận được thông tin đặt phòng nào và thông báo đã hết phòng từ trước đó. Đồng thời, giá phòng thời gian cao điểm dịp nghỉ lễ vừa qua cũng cao hơn nhiều so với giá phòng mà nhóm mạo danh khách sạn đưa ra để dụ bẫy khách hàng.

Để tránh bị mất tiền oan, tôi đành nhờ người thân ở Đà Nẵng tìm giúp và sau đó chúng tôi cũng tìm được khách sạn ưng ý. Dù vậy, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để không sập bẫy những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp này.

Mới đây, trên một trang fanpage về Huế cũng có du khách phản ánh tình trạng lừa đảo đặt phòng qua mạng. Lần này là một cá nhân tự giới thiệu làm việc ở lĩnh vực booking (tạm dịch là đặt chỗ) du lịch. Cũng tương tự thủ đoạn trên, người này đã lừa đảo một du khách chuyển khoản 2 triệu đồng để đặt phòng ở một villa trên địa bàn quận Thuận Hóa (TP. Huế). Khi đến nơi, du khách chỉ thấy ở địa chỉ nêu trên là một bãi đất trống, không có bất kỳ khách sạn, villa nào. Khi vào trang để chất vấn kẻ lừa đảo thì đã bị chặn tất cả các cách thức liên lạc.

Trước đó, đã từng có du khách mất cả tỷ đồng vì đặt phòng qua mạng ở trang fanpage của Khu resort Minawa Kênh Gà (Ninh Bình). Thủ đoạn của nhóm lừa đảo này là thúc giục du khách nhanh chóng chuyển cọc để giữ phòng. Sau khi du khách chuyển cọc sẽ báo sai nội dung và chuyển lại lần 2 và nhiều lần sau đó để được hoàn trả số tiền ban đầu. Cứ như vậy nhóm lừa đảo dẫn dụ du khách chuyển khoản nhiều lần. Đến khi không còn khả năng chuyển khoản thì du khách mới phát hiện mình bị lừa thì chúng đã cao chạy xa bay…

Theo các cơ quan chức năng, để tránh bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn qua mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách sạn, khu nghỉ dưỡng mà mình sắp đến. Tốt nhất là đặt phòng ở các trang đặt phòng uy tín hoặc thông qua các đơn vị lữ hành; nhờ người thân quen nơi cần đến trực tiếp đến đặt tại lễ tân khách sạn hoặc tìm số điện thoại bàn để liên lạc (thường thì số điện thoại bàn của những khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn khá đẹp, dễ nhớ)…

Hiện nay, lừa đảo đặt phòng qua mạng khá tinh vi. Các đối tượng xấu không chỉ làm giả các trang fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng với các clip, hình ảnh gốc, mà kể cả với tích xanh, chúng cũng có thể làm giả như trang fanpage của Khu resort Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình nêu trên. Ngoài ra, các trang giả mạo còn chạy quảng cáo với lượt like, share, comment còn cao hơn và xuất hiện đầu tiên trong các tìm kiếm so với trang chính chủ. Vì vậy, người dân nếu không cẩn thận sẽ dễ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đặt phòng qua mạng, nhất là ở các trang fanpage.

Bài, ảnh: Linh Đan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/canh-giac-khi-dat-phong-qua-mang-153289.html
Zalo