Liên tiếp các vụ lừa đảo qua mạng: Tăng cường cảnh báo là rất cần thiết

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng cũng ngày càng gia tăng. Không chỉ dừng lại ở những hình thức lừa đảo thô sơ, tội phạm mạng ngày càng sử dụng các kịch bản tinh vi, đánh vào lòng tham và sự cả tin của người dùng. Hàng loạt vụ mất tiền oan từ các đường link giả mạo là minh chứng cho sự nguy hiểm của loại tội phạm này. Thực trạng này gây hoang mang với người dân khi sử dụng môi trường số.

Công an thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hướng dẫn người dân cách bảo mật thông tin trên thiết bị di động.

Công an thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hướng dẫn người dân cách bảo mật thông tin trên thiết bị di động.

Chiêu trò ngày càng tinh vi

Trên các mạng xã hội liên tiếp xuất hiện thông tin cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua mạng như: giả danh nhân viên thu tiền điện, giả danh cán bộ ngân hàng, giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh học sinh, giả danh doanh nghiệp tặng quà cho người dùng… Ngay trên trang thông tin của đơn vị, Công an các địa phương cũng đưa ra nhiều cảnh báo về các hình thức lừa đảo mới xuất hiện như: hoàn tiền học phí, bổ sung thông tin căn cước công dân, làm định danh điện tử mức độ 2…

Đặc biệt gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có tổ chức. Có thể kể đến như việc tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân trình báo việc bị lừa đảo qua hình thức giả danh shipper tại Công an phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

Người dân trình báo việc bị lừa đảo qua hình thức giả danh shipper tại Công an phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên).

Theo thông tin từ Bộ Công an, chỉ trong năm 2024, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra đã lên tới 18.900 tỷ đồng. Tại Thái Nguyên, theo ước tính, số tiền các nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến trong 3 năm gần đây có thể lên đến vài chục tỷ đồng.

Gần đây nhất, Công an phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) nhận được đơn trình báo của chị N.T.V.A (trú tại tổ 5, phường Thịnh Đán) về việc mình bị lừa mất 245 triệu đồng khi đăng ký giải chạy trên Facebook, sau đó thực hiện theo hướng dẫn của nhóm đối tượng để “làm nhiệm vụ” nhằm hưởng ưu đãi.

Theo đánh giá của cơ quan Công an, trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Cảnh giác là chưa đủ

Cơ quan Công an cho biết, việc tần suất các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo gia tăng, nhắm vào nhiều đối tượng hơn và các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn khiến cho nhiều người “nhẹ dạ” có thể mắc vào một trong các hình thức lừa đảo, dẫn tới có thể mất tiền và cả mất niềm tin với môi trường số.

Chị Hoàng Thị Thu Hà, ở tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), bộc bạch: Tôi đã hủy giao dịch qua tài khoản ngân hàng của bố mẹ mình và cả bố mẹ chồng, đề phòng trường hợp các cụ bị lừa đảo qua mạng. Vẫn biết sẽ có một số hạn chế nhưng đây là giải pháp “cực chẳng đã” khi tôi chưa tìm được phương án nào tốt hơn.

Còn anh Đỗ Thanh Hảo, ở xóm Cây Hồng, xã Yên Lãng (Đại Từ) phân trần: Mỗi tuần tôi đều nhận được ít nhất 1-2 cuộc gọi với các kịch bản khác nhau như: giới thiệu “việc nhẹ lương cao”, đăng ký nhận quà miễn phí, yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân… Do sợ bị lừa đảo nên lâu nay, bất kỳ cuộc gọi nào đến từ các số điện thoại lạ, tôi đều không nghe máy.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tuyên truyền Luật An ninh mạng và các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho công nhân Chi nhánh TNG Sông Công 3 (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG).

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh tuyên truyền Luật An ninh mạng và các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho công nhân Chi nhánh TNG Sông Công 3 (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG).

Trước thực trạng số vụ lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng, việc tăng cường cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ cảnh báo thôi là chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng, việc cần thiết hiện nay là bảo vệ dữ liệu người dùng (số điện thoại, địa chỉ, email, tài khoản mạng xã hội…). Cùng với đó là cần phải có cơ chế đa đạng và phổ biến rộng rãi hơn để người dân có thể báo cáo các vấn đề mà họ cho rằng có nguy cơ hoặc có tiềm ẩn các yếu tố lừa đảo (thông qua website, đường link, email, tin nhắn, đường dây nóng... của cơ quan chức năng).

Một số ý kiến cũng cho rằng, do các hình thức lừa đảo càng ngày càng đa dạng và qua nhiều kênh nhiều hình thức khác nhau, do vậy người dân rất khó có thể nắm hết các thủ đoạn lừa đảo mới. Vì vậy, thay vì cập nhật, cảnh báo riêng lẻ, cần xây dựng một kênh công khai riêng, tại đó, người dân được cập nhật các hình thức lừa đảo mới. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Thực tế cho thấy, niềm tin số đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển an toàn của môi trường số. Nó không chỉ liên quan đến câu chuyện lừa đảo, mà còn ảnh hưởng đến việc người dân có hay không lựa chọn sử dụng nền tảng số. Do vậy, việc đảm bảo an toàn số cho người dân trong quá trình tham gia vào môi trường số là yếu tố tối cần thiết cho công cuộc chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại và cả tương lai.

Mai An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202505/lien-tiep-cac-vu-lua-dao-qua-mang-tang-cuong-canh-bao-la-rat-can-thiet-3c23d45/
Zalo