Cánh cửa mở ra chương phát triển mới cho 'Hòn ngọc Viễn Đông'
Hơn nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Trong dòng chảy lớn ấy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi từng là biểu tượng của sự năng động và hội nhập - lại một lần nữa được trao sứ mệnh tiên phong.

Các khu công nghiệp tại Bình Dương thu hút 3.252 dự án đầu tư, tạo việc làm ổn định cho hơn 556.000 lao động. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Với chủ trương chiến lược hợp nhất tỉnh Bình Dương vào TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đảng và Nhà nước không chỉ tái định hình không gian phát triển mà còn mở ra một chương mới trong tư duy mở rộng không gian cộng hưởng phát triển, nhằm đánh thức tiềm lực, tạo bước nhảy vọt để thành phố sau hợp nhất gần 14 triệu dân này giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, sẵn sàng vươn mình ra khu vực và thế giới.
Tiên phong và đồng thuận
Với bề dày lịch sử hơn một thế kỷ trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, Bình Dương đã khẳng định tinh thần tiên phong và khả năng thích ứng vượt bậc. Đết hết năm 2024, qui mô nền kinh tế đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng 133 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, đến nay tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn dưới 3%, công nghiệp 67% và dịch vụ 21%. Đã thu hút trên 43 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay đã thu hút được khoảng 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD.
Các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng được tập trung đầu tư ngày càng hoàn thiện. Thực hiện chủ trương của Đảng, Bình Dương đã triển khai Đề án sáp nhập hành chính với quyết tâm chính trị cao. Tính đến nay, địa phương đã tinh gọn 60% đơn vị hành chính cấp xã, từ 91 xã, phường, thị trấn xuống còn 36 đơn vị - một tỷ lệ tinh gọn sâu rộng, thể hiện sự đồng thuận lớn từ cán bộ đến nhân dân. Quá trình chuẩn bị sáp nhập cấp tỉnh với TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được khẩn trương thực hiện, dự kiến hoàn tất trước ngày 31/8/2025.
Ngày 24/4, tại kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức, các đại biểu đã đồng thuận thông qua nghị quyết hợp nhất Bình Dương và TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương gửi HĐND tỉnh, trong tổng số 352.000 cử tri đại diện hộ gia đình được lấy ý kiến, có hơn 92% bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương này.
Bình Dương trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước, khi hòa quyện cùng TP Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế quốc gia, và Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ cảng biển quốc tế, sẽ hình thành một siêu đô thị liên thông đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thành phố toàn cầu như Singapore hay Thượng Hải.
“Hợp nhất này không chỉ là cơ hội để tối ưu hóa nguồn lực, mà còn là cánh cửa để khôi phục vị thế Hòn ngọc Viễn Đông, đưa siêu độ thị này trở thành tâm điểm kinh tế, văn hóa và đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức của cả nước và vươn tầm châu lục”, một đại biểu HĐND tỉnh đánh giá.
Cơ hội tỏa sáng

Con đường xanh mở rộng không gian phát triển tại khu vực Phú Giáo - Bắc Tân Uyên - Bài Bàng (Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát
Hợp nhất Bình Dương vào TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu được các chuyên gia đánh giá là bước đi chiến lược để tái hiện vị thế Hòn ngọc Viễn Đông - danh xưng từng gắn liền với Sài Gòn xưa.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Việc phát triển một siêu đô thị tích hợp công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và đổi mới sáng tạo không chỉ tạo động lực mới cho khu vực, mà còn mở ra cơ hội để TP Hồ Chí Minh tái hiện hình ảnh một “Hòn ngọc Viễn Đông” với tầm vóc hiện đại, bền vững và gắn kết toàn cầu.
Vùng siêu đô thị này sẽ tận dụng thế mạnh công nghiệp của Bình Dương, năng lực tài chính và dịch vụ của TP Hồ Chí Minh, cùng tiềm năng logistics và cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự kết hợp này không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, thu hút đầu tư quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực ASEAN và thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn nhìn nhận: Mọi sự thay đổi lớn đều không tránh khỏi những khó khăn ban đầu, từ tâm tư của người dân đến thách thức trong tái cơ cấu bộ máy. Nhưng vì sự phát triển chung của đất nước cần bản lĩnh, tầm nhìn và niềm tin sắt đá. Việc hợp nhất không đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc, mà là cơ hội để Bình Dương cùng hợp lực vào một không gian phát triển rộng lớn hơn.
Nguồn lực được tối ưu hóa, cơ hội kinh tế - xã hội được nhân lên, và đời sống người dân sẽ ngày càng thịnh vượng. Vùng siêu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển trong tương lai sẽ là động lực thúc đẩy cả khu vực phía Nam và đất nước vươn xa, khôi phục ánh hào quang của Hòn ngọc Viễn Đông trong một diện mạo mới.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cộng hưởng phát triển, nhằm đánh thức tiềm lực, tạo bước nhảy vọt để thành phố sau hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN phát
Đứng trước cột mốc lịch sử, Bình Dương đang phát huy tinh thần kiên cường, đoàn kết và sáng tạo đã được hun đúc qua bao thế hệ. Từ một vùng đất chịu nhiều thăng trầm của chiến tranh và đổi mới, Bình Dương hôm nay là biểu tượng của sự phát triển, với vị thế dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngồi (FDI), đô thị thông minh và nâng chất lượng sống.
Cùng với TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình và thịnh vượng, góp phần hướng tới một Hòn ngọc Viễn Đông tỏa sáng trên bản đồ thế giới.