Cảnh báo ngộ độc rượu chứa methanol

Dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng các vụ ngộ độc rượu chứa methanol vẫn diễn ra. Nạn nhân ngộ độc thường có nguy cơ tử vong cao, hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: BVCC.

Gần đây nhất là vụ ngộ độc rượu xảy ra tại tỉnh Bắc Kạn khiến 5 người phải đi cấp cứu. Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho hay, 5 người này đã tới quán ăn tại địa phương để dùng bữa. Sau khi ăn và uống rượu khoảng 10 phút, cả 5 người đều có biểu hiện ngộ độc như hoa mắt, da mặt tái, khô miệng và nôn..., trong đó 1 nam thanh niên có dấu hiệu ngộ độc nặng hơn.

Các bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, lả người, huyết áp tụt, đồng tử giãn. Ê kíp bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã xử trí xông dạ dày, thở ô xy, bơm rửa đường tiêu hóa… theo phác đồ của cấp cứu ngộ độc.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm phục vụ điều tra của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy, hàm lượng methanol tính theo phần trăm thể tích ở chén rượu thừa uống dở và chai rượu trắng trên bàn ăn là 16,7% v/v.

"Hàm lượng này cao gấp nhiều lần quy định tại TCVN 7043 : 2013 về rượu trắng" - kết quả kiểm nghiệm nêu rõ.

Theo quy định, hàm lượng methanol không được vượt 2.000mg/lít ethanol ở 100 độ. Kết hợp với dấu hiệu lâm sàng do Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn báo cáo, Sở Y tế tỉnh này kết luận nguyên nhân ngộ độc là do rượu.

Một trường hợp khác, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh mới đây cho hay, vừa lọc máu cứu người đàn ông bị ngộ độc rượu. Bệnh nhân là anh N.V.A. (34 tuổi). Trước đó, anh A. gặp 2 người bạn và cùng nhau uống rượu. Anh A. nghe nói "rượu đặc sản" nên uống thử, sau khi uống 3 ly thì thấy lâng lâng nên về nhà nằm nghỉ.

Chiều cùng ngày, anh A. bắt đầu nôn ói, mệt mỏi nhưng nghĩ do say rượu. Sáng hôm sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu, khó thở, sợ ánh sáng, mắt nhìn mờ như có mây che, đôi lúc nhìn trắng như tuyết.

Theo BS Đinh Tuấn Vinh - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh), bệnh nhân A. nhập viện với triệu chứng điển hình của ngộ độc methanol như: Bồn chồn, nôn ói, ngủ lịm, mắt nhìn mờ, đau nửa đầu, khó thở…

Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa với chỉ số pH động mạch giảm còn 7,297, ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Bệnh nhân được lọc máu khẩn cấp nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm như tổn thương thần kinh thị giác gây mù lòa, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Sau lọc máu, sức khỏe của bệnh nhân tạm ổn định. Được biết, 2 người bạn uống rượu cùng anh A. cũng bị ngộ độc tương tự và phải nhập viện cấp cứu.

BS Nguyễn Hồng Tốt - Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha đang được lưu hành tự do dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc. Đây là loại ngộ độc rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Bệnh nhân bị ngộ độc rượu nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, người uống cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nếu chỉ bằng các giác quan thông thường, không thể phân biệt được rượu có chứa methanol hay không. Do vậy, cách tốt nhất để phòng ngộ độc methanol là không uống rượu. Hoặc chỉ uống rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không uống các loại rượu trôi nổi, rượu giả. Khi uống rượu thấy mệt và cảm giác say nhanh thì nên dừng ngay lập tức.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-ngo-doc-ruou-chua-methanol-5742308.html
Zalo