Cảnh báo ngộ độc khi ăn nhầm so biển
Con sam biển là món ăn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn giữa con sam biển và so biển sẽ gây ra nguy cơ ngộ độc dẫn đến tử vong đang là mối nguy đáng lo ngại.
Mới đây, một trường hợp ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị ngộ độc do ăn nhầm so biển được cảnh báo. Sau khi ăn nhầm so biển, người này xuất hiện các triệu chứng như tê buốt, chóng mặt, nôn ói, xây xẩm và vào bệnh viện kịp thời. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết, phân biệt chính xác giữa hai loài để tránh hậu quả đáng tiếc.
Với giá dao động khoảng 70.000 - 100.000 đồng/con, tùy kích thước, sam biển được bày bán ở những người mua bán hải sản ven đường tại Phan Thiết. Anh Trần Văn S., một tiểu thương bán hải sản ở Văn Thánh (Phan Thiết) chia sẻ: “Mùa này sam cái đầy trứng, béo ngon, rất được khách ưa chuộng. Tôi bán được hơn 20 ngày, luôn phân biệt rõ sam và so để đảm bảo an toàn cho người mua, bởi nếu bán nhầm con so, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), con sam và con so có hình dáng tương tự, nhưng con so chứa độc tố tetrodotoxin - một loại độc tố có khả năng gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn và hô hấp, dẫn đến tử vong nếu ăn so. Độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc, bạch tuộc vòng xanh… Chất độc này không tan trong nước, không bị phá hủy ở nhiệt độ cao dù nấu chín hoặc phơi khô. Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận chưa ghi nhận bất cứ trường hợp ngộ độc nào do ăn con sam nhầm thành con so”.
Sam biển là món ăn đặc trưng ở vùng biển, không ít người ưa chuộng, mua ăn. Hiện nay, con sam biển đang vào mùa sinh sản, với sam cái chứa nhiều trứng. Mùa con sam kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Ngư dân thường bắt sam cái để bán, thả lại sam đực xuống biển. Để phân biệt con sam và con so, người dùng nhìn vào kích thước và đuôi. Con sam có kích thước lớn từ 25cm trở lên, đuôi dài có gai nhọn dạng lưỡi cưa. Kích thước con so thì nhỏ, đuôi ngắn và không có gai nhọn trên đuôi. Khi đánh bắt, ngư dân phân biệt thêm về cách di chuyển. Sam đi theo cặp, con đực bám lên lưng con cái. Còn con so thường đi riêng lẻ, nhưng cũng bám vào nhau vào mùa giao phối. Vì vậy, người đánh bắt phải chú ý đặc điểm này, nếu không cũng bắt nhầm con sam thành con so, thì cũng nguy hiểm tính mạng khi ăn vào. Đó là chia sẻ của một số ngư dân ở Phan Thiết.
Để phòng tránh ngộ độc do ăn nhầm con so biển, các tiểu thương và ngư dân cần nâng cao ý thức trong việc phân loại, kinh doanh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc bán nhầm so biển không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của người bán. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị đầy đủ kiến thức để phân biệt con sam và con so cũng như cẩn thận khi sơ chế, chế biến.