Cảnh báo gia tăng số ca đột quỵ vào cận Tết

Những ngày cuối năm, thời tiết chuyển mùa cận Tết Nguyên đán làm gia tăng đáng kể số ca đột quỵ tại các bệnh viện, đặc biệt ở người cao tuổi và người mắc bệnh nền mạn tính. Bác sĩ cảnh báo, để tránh bỏ qua 'thời gian vàng' trong điều trị, khi phát hiện các dấu hiệu bị đột quỵ cần phải đến cơ y tế có đơn vị điều trị đột quỵ gần nhất.

Ngày 11/1, bác sĩ chuyên khoa 1 Lữ Hữu Tuấn, Trưởng khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho biết, những ngày gần đây, số ca bệnh về đột quỵ liên tục gia tăng. Chỉ trong 2 ngày, tại bệnh viện đã liên tiếp ghi nhận cấp cứu 4 ca đột quỵ não nguy kịch.

Những người mắc bệnh lý nền, dù đang điều trị vẫn đối mặt với nguy cơ cao bị đột quỵ do các biến chứng từ chính những bệnh lý này gây ra. Ảnh: BV

Những người mắc bệnh lý nền, dù đang điều trị vẫn đối mặt với nguy cơ cao bị đột quỵ do các biến chứng từ chính những bệnh lý này gây ra. Ảnh: BV

Điển hình là trường hợp ông N.T.T. (67 tuổi, Tiền Giang), sau bữa sáng ông đột ngột chóng mặt, lơ mơ, mất ý thức, liệt nửa người trái và rơi vào trạng thái hôn mê. May mắn, ông T. đang có mặt tại bệnh viện nên được nhân viên y tế phát hiện kịp thời và lập tức mời hội chẩn khẩn cấp tại Đơn vị Đột quỵ.

Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, các bác sĩ đã chỉ định chụp MRI não, kết quả cho thấy ông T. bị nhồi máu não cấp tại vùng thân não, cầu não và rải rác ở cả hai bán cầu trong giờ đầu tiên. Nhờ được phát hiện sớm, ông T. đã được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) nhằm làm tan huyết khối, khơi thông mạch máu não bị hẹp hoặc tắc, mở ra cơ hội phục hồi tích cực.

Bác sĩ Lữ Hữu Tuấn cho biết, sau 1 giờ sử dụng thuốc rTPA, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn cảm thấy chóng mặt, tình trạng yếu nửa người bên phải cũng cải thiện tốt. Chỉ sau 24 giờ, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh, số ca đột quỵ não cũng tăng đáng kể, đặc biệt có nhiều trường hợp xảy ra khi vừa thức giấc. Điển hình là bệnh nhân P.T.N. (61 tuổi, Củ Chi), nhập viện cấp cứu lúc 6 giờ sáng. Theo bệnh sử, bệnh nhân vẫn hoàn toàn bình thường trước khi đi ngủ, nhưng sáng thức dậy phát hiện liệt nửa người, méo miệng và nói khó. May mắn, nhờ nhận biết các dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân đã báo ngay cho người nhà và được đưa đến bệnh viện kịp thời để cấp cứu.

Theo BS CKII. Diệp Trọng Khải, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP Hồ Chí Minh, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và làm tăng tỷ lệ tàn tật nghiêm trọng. Đặc biệt, đột quỵ do tắc động mạch thân nền là một dạng rất nguy hiểm, với nguy cơ tử vong lên đến 90% nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Đột quỵ khi thức giấc là tình trạng bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ ngay sau khi vừa thức dậy vào buổi sáng. Thời điểm chính xác xảy ra đột quỵ thường không thể xác định, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị. Các dấu hiệu của đột quỵ khi thức giấc tương tự như đột quỵ trong lúc tỉnh táo, bao gồm liệt nửa người, méo miệng, nói khó hoặc mất ý thức.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Trọng Khải nhấn mạnh: “Thời gian là yếu tố quyết định thành công trong điều trị đột quỵ. Bệnh nhân cần đến bệnh viện có đơn vị đột quỵ sớm nhất, tốt nhất trong vòng 4 giờ 30 phút kể từ khi xuất hiện triệu chứng, đặc biệt đối với các trường hợp tắc, hẹp động mạch thân nền. Tuy nhiên, đáng tiếc nhiều bệnh nhân phát hiện triệu chứng nghi ngờ đột quỵ giữa đêm lại tiếp tục đi ngủ và chỉ đến bệnh viện vào sáng hôm sau khiến thời gian điều trị bị chậm trễ và không thể sử dụng thuốc tiêu huyết khối kịp thời".

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lữ Hữu Tuấn cho biết, hiện nay có hai phương pháp cấp cứu đột quỵ phổ biến là tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) và phẫu thuật lấy huyết khối. Thuốc rTPA có tác dụng làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp khôi phục lưu thông máu, từ đó giảm tỷ lệ biến chứng tàn tật và tăng khả năng phục hồi các chức năng vận động, tri giác, ngôn ngữ sau đột quỵ. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc chỉ đạt tối đa nếu được tiêm trong vòng 4 - 5 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. Nếu quá thời gian này, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật để lấy cục huyết khối.

PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, kiêm chủ tịch Hội đột quỵ TP Hồ Chí Minh cho biết, thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm Việt Nam có 200.000 bệnh nhân đột quỵ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng như không kiểm soát tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, lối sống lười vận động...

Vì thế, dịp lễ, Tết có rất nhiều đám tiệc, lễ hội có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao; đặc biệt ở những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường. Việc không kiểm soát chế độ ăn uống hoặc lạm dụng rượu bia làm gia tăng yếu tố nguy cơ. Dù đang điều trị, người mắc bệnh nền vẫn đối mặt với khả năng bị đột quỵ do các bệnh lý này.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết để giảm thiểu nguy cơ. Khi có các dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân hoặc mất ngôn ngữ, cần lập tức đến bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ trong “thời gian vàng” để được cấp cứu kịp thời, tận dụng tối đa lợi ích từ thuốc tiêu sợi huyết.

Quy tắc FAST giúp nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ:
F (FACE): Méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười hoặc nhe răng.
A (ARM): Yếu liệt tay chân, kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên cao để xem có tay nào bị yếu hoặc không nâng được.
S (SPEECH): Ngôn ngữ bất thường, yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản để xem họ có hiểu, lặp lại được hay không, và giọng nói có bị đớ không.
T (TIME): Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trên, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất có đơn vị điều trị đột quỵ để được cấp cứu kịp thời.

Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/canh-bao-gia-tang-so-ca-dot-quy-vaocan-tet-20250111164415339.htm
Zalo