Phòng tránh ngộ độc thực phẩm cấp tính ngày Tết
Dịp Tết Nguyên đán trong mỗi gia đình đều mua sắm và dự trữ một lượng lớn thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín. Nếu trong quá trình chế biến và bảo quản không an toàn sẽ có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm... Vậy phòng ngừa tình trạng này như thế nào?
Các yếu tố nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính trong ngày Tết
Ngộ độc thực phẩm là khi cơ thể nhiễm các chất độc trong quá trình ăn uống. Ngộ độc thực phẩm cấp tính là do nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất với liều lượng lớn với các biểu hiện đặc trưng gồm:
Đau bụng.
Buồn nôn, nôn mửa.
Đi ngoài phân lỏng liên tục, trong phân hoặc chất nôn có thể có máu.
Sốt, ớn lạnh.
Chán ăn.
Mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...
Về cơ bản, nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm cấp tính là do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có hai lý do chính dẫn đến tình trạng này gồm:
- Thực phẩm không an toàn: Trong những ngày Tết, mỗi gia đình đều có nhu cầu sử dụng rất nhiều thực phẩm. Do nhu cầu mua sắm tăng nên các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản hoặc dư lượng hóa chất kích thích, thuốc trừ sâu quá lớn, thực phẩm quá hạn được làm mới, làm sạch, gắn mác an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường...
Điều này làm tăng nguy cơ thực phẩm bị ô nhiễm chất độc hoặc vi sinh vật gây bệnh, dễ dàng gây ra ngộ độc thực phẩm.
- Do quá trình chế biến: Mâm cơm ngày Tết thường đa dạng, nên các món ăn thường được chuẩn bị trước. Nếu khâu bảo quản và chế biến lại thức ăn không bảo đảm cũng có thể xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn.
Quy trình chế biến thực phẩm không an toàn như:
Sơ chế thực phẩm chưa sạch.
Dùng chung dụng cụ giữa thực phẩm sống và chín.
Thức ăn chưa được nấu chín kỹ.
Thức ăn nấu xong chưa ăn ngay và không được bảo quản đúng cách.
Hộp đựng thức ăn, nơi trữ thực phẩm không được tiệt trùng tuyệt đối...
Đây đều là những điều kiện thuận lợi khiến vi sinh vật gây bệnh hoạt động và lây nhiễm giữa các loại thực phẩm... là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ngày Tết
Khi chọn mua thực phẩm cần đảm bảocó nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo:
- Với rau củ quả phải chọn loại tươi, không có tình trạng hư thối hay dập nát.
- Thịt, cá, tôm... cần chọn loại tươi, không có mùi lạ, mùi hôi hoặc mùi ôi thiu.
- Thực phẩm chế biến sẵn (thịt hộp, giò chả....) cần có ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, nhà phân phối và thành phần ghi rõ trên bao bì; tránh chọn loại có phần vỏ bị hư hỏng, biến dạng.
- Chỉ mua thực phẩm ở nơi có độ tin cậy cao, tránh mua tại các địa điểm không chắc chắn về độ an toàn.
Bảo quản thực phẩm:
- Trước khi chế biến: Thực phẩm khi mua về nhưng chưa chế biến hoặc sử dụng ngay lập tức, cần sơ chế, phân loại và bảo quản riêng biệt. Mỗi loại thực phẩm cần bảo quản ở ngăn riêng với nhiệt độ thích hợp. Các loại rau củ cần bọc kín trong những túi riêng biệt và cất giữ trong ngăn đựng rau củ của tủ lạnh. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
- Trong và sau khi chế biến:
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn.
Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác đậu vào thức ăn.
Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.
Thực phẩm đã được nấu cần:
- Nấu chín kĩ thức ăn, tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu và chỉ nấu vừa đủ lượng thức ăn cho mỗi bữa để bảo đảm thức ăn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và tránh ôi thiu.
- Trường hợp nấu nhiều thức ăn, chưa sử dụng hết cần được cho vào hộp và bảo quản ở nhiệt độ phòng thích hợp hoặc trong tủ lạnh để tránh ôi thiu, lên mốc, song không được để trong thời gian quá lâu. Trước khi sử dụng lại, phải đun sôi kỹ.
- Bảo quản riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn.
Mời độc giả xem thêm video: