Khoa Cấp cứu Chợ Rẫy những ngày cuối năm
Cậu con trai run run ký vào giấy xác nhận xin ra viện để ba mình 'được ra đi ở nhà'. Hôm ấy là ngày 22 tháng Chạp.
“Trời ơi, sao lại bị nặng thế này vậy cô?”
Nữ điều dưỡng bước đến một chiếc băng ca vừa được đẩy vào, hốt hoảng nói.
Bên trong lớp chăn mỏng, người phụ nữ tầm 50 tuổi nằm co ro, một bên ngực của bà gần như đã hoại tử, từ trong những mảng da đã chuyển sang màu đen không ngừng chảy ra thứ dịch vàng. Người phụ nữ cố mấp máy môi, trả lời một cách yếu ớt rằng mình là bệnh nhân ung thư vú, sau đó lịm dần.
Một cuộc hội chẩn nhanh giữa các bác sĩ diễn ra ngay sau đó với kết luận cuối cùng là cắt gọn phần vú đã bị hoại tử của bà. Người phụ nữ nằm trong căn phòng sặc mùi thuốc khử trùng, rơi vào hôn mê. Xung quanh bà là tầm 20 bệnh nhân khác, có người máu me đầy người do tai nạn, có người kêu la vì đau đớn.
Những ngày cận tết, các ca bệnh nặng liên tục đổ vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy khiến không khí nơi đây căng thẳng gấp bội.
Chuyến xe cuối cùng
Trong góc phòng Hồi sức tích cực, anh Quý nằm bất động trên giường bệnh, mắt nhắm nghiền, từng hơi thở yếu ớt được duy trì bởi máy thở và hệ thống dây truyền chằng chịt. Bên cạnh, người vợ thẫn thờ đứng tựa vào góc giường, đôi vai run bần bật theo từng tiếng nấc nghẹn, miệng lẩm bẩm “anh ơi, anh ơi” như một lời gọi trong vô vọng.
Là một tài xế với tiền sử cao huyết áp, anh Quý đột ngột rơi vào tình trạng lơ mơ và hôn mê vào lúc 4h30 sáng. Gia đình vội vã đưa anh vượt hàng trăm km từ Vũng Tàu lên Bệnh viện Chợ Rẫy, với hy vọng mong manh giành lại sự sống.
Thế nhưng, lời tiên lượng xấu từ bác sĩ đã khiến hy vọng đó vụt tắt. Với tình trạng xuất huyết não nghiêm trọng, chỉ chưa đầy 4 tiếng sau khi nhập viện, gia đình thống nhất đưa anh xuất viện để về nhà, dành cho anh những giây phút cuối đời trong vòng tay yêu thương của người thân.
Người con trai vừa tròn 22 tuổi run run ký vào tờ giấy xác nhận xuất viện, đôi mắt đỏ hoe ngấn nước. "Không biết bác sĩ có cho ba thở oxy trên đường về không? Để ba còn được ra đi ở nhà", người vợ khẽ hỏi, ánh mắt không rời khỏi giường bệnh nơi anh Quý nằm.
Ba, bốn điều dưỡng vây quanh anh, cẩn thận chuyển cơ thể bất động lên băng ca. Một tài xế đã từng chở không biết bao nhiêu người trên những chuyến xe, giờ đây chính anh lặng lẽ nằm trên chiếc băng ca, bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng của cuộc đời.
Chiếc xe cấp cứu lao ra từ cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy, đèn sáng rực, còi hú vang trên đường về Bà Rịa - Vũng Tàu, mang theo nỗi buồn trĩu nặng của một gia đình nhỏ đang cố níu giữ những khoảnh khắc cuối cùng bên người thân.
Vật lộn với cơn đau
10h sáng ngày 22 tháng Chạp, khu vực sàng lọc bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy đang dần được lấp đầy. Tiếng bánh xe của giường bệnh trượt kin kít trên sàn nhà. Sau khi làm hồ sơ, bệnh nhân sẽ được chuyển vào khoa Cấp cứu.
- Cô giơ thẳng chân lên để con dễ vệ sinh vết thương nhé!
- Tôi đau quá cô ơi!
Bà Nguyễn Thị Chắn (Đồng Tháp) nhăn mặt, cắn chặt răng khi miếng bông tẩm cồn chạm vào da thịt. Trên chân phải bà là chi chít vết loét đang ri rỉ máu, có những mảng da nhiễm trùng nặng, hõm sâu đến mức sắp chạm đến xương.
Người phụ nữ ngoài 60 tuổi đã sống chung với bệnh tiểu đường suốt nhiều năm. Biết bệnh mình nghiêm trọng, bà Chắn kiêng cữ đủ đường. Thế nhưng, vài tháng trước, bà trải qua những cơn đau không tả khi từng mảng da thịt cứ thế loét dần.
Sáng nay, chân bà đột nhiên mất hẳn cảm giác. Cả gia đình hốt hoảng đưa bà đến bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, các bác sĩ đề nghị chuyển bà đến bệnh viện tuyến cuối để cứu vãn đôi chân.
“Bị bệnh này có thể sẽ bị cắt cục chi. Tôi may mắn chỉ cần vào phòng phẫu thuật để cắt những mảng da đã hoại tử. Dù vậy, tôi vẫn rất sợ”, bà Chắn nói trong đau đớn.
Chỉ cách bà Chắn chưa đầy chục mét, ông Bạch Văn Lượng (Cà Mau) nằm quằn quại, gương mặt nhăn nhó vì những cơn đau dữ dội. Từng phút trôi qua với ông như kéo dài bất tận khi chờ được đưa vào phòng mổ.
“Sáng nay tôi chỉ đến tái khám và lấy thuốc, không ngờ lại phải ngồi đây để chờ mổ gấp”, ông Lượng nói.
Một năm rưỡi trước, ông nhập viện vì những cơn đau quặn thắt không dứt. Kết quả chụp MRI xác nhận ông có khối u ở trực tràng. Sau phác đồ xạ trị 28 tia tại bệnh viện tỉnh, ông từng nghĩ mình đã chiến thắng bệnh tật. Thế nhưng, hơn một tháng nay, khối u tái phát, chèn ép bàng quang và khiến tình trạng thêm trầm trọng.
Sau hơn 10 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, còn hơn một tuần đến Tết Ất Tỵ, ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua hàng loạt xét nghiệm và kiểm tra, các bác sĩ kết luận tình trạng của ông Lượng đã ở mức nghiêm trọng, cần phẫu thuật khẩn cấp.
Sẵn sàng 100% nguồn lực cho công tác cấp cứu ngày Tết
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Trầm Minh Toàn, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 340-350 ca nhập viện. Trong đó, 35-40 bệnh nhân nguy kịch phải chuyển vào phòng Hồi sức tích cực để điều trị.
Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, số ca nhập viện chung giảm xuống còn 320 ca mỗi ngày. Đáng chú ý, các bệnh nhân mắc bệnh nội khoa nặng như viêm phổi, đột quỵ não, suy tim… lại có xu hướng tăng, với 40-45 ca/ngày.
Xu hướng này phù hợp với quy luật những năm trước, khi số lượng bệnh nhân giảm rõ rệt vào tuần cuối năm nhưng nhanh chóng tăng trở lại từ mùng Một và mùng Hai Tết Nguyên đán. Điều này đặt ra áp lực lớn cho đội ngũ y tế trong thời điểm chuyển giao năm mới.
Những ngày cuối năm, người dân thường bận rộn dọn dẹp nhà cửa, vì vậy khi mắc bệnh, họ có xu hướng tự mua thuốc điều trị. Thêm vào đó, tâm lý ngại đến bệnh viện sát Tết khiến nhiều người trì hoãn thăm khám, dẫn đến bệnh chuyển nặng khi nhập viện,” bác sĩ chuyên khoa II Trầm Minh Toàn giải thích.
Để ứng phó với lượng bệnh nhân gia tăng vào dịp Tết, đội ngũ y bác sĩ khoa Cấp cứu đã triển khai công tác chuẩn bị toàn diện.
Về nhân sự: Trong dịp Tết, khoa phân chia trực thành 3 ca với 4 ê-kíp, huy động toàn bộ 180 nhân sự gồm bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên. Mọi đơn xin nghỉ phép trong thời gian này đều bị hoãn, nhằm đảm bảo 100% nguồn nhân lực sẵn sàng ứng cứu.
Về trang thiết bị: Ngay từ đầu tháng 1/2025, khoa đã lên kế hoạch chuẩn bị cơ số thuốc cấp cứu, đặc biệt các loại thuốc xử lý chấn thương nặng. Các thiết bị quan trọng như máy thở, monitor theo dõi bệnh nhân cũng được kiểm tra định kỳ để đảm bảo hoạt động ổn định.
“Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị về nhân sự và trang thiết bị của khoa Cấp cứu đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng ứng phó cho dịp Tết sắp tới,” bác sĩ Toàn thông tin.