Căng thẳng thương mại liên quan các biện pháp áp thuế
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ đề nghị áp dụng thuế quan 'công bằng và có đi có lại' đối với tất cả các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Bản ghi nhớ yêu cầu Howard Lutnick, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, và Jamieson Greer, đại diện thương mại toàn cầu của Mỹ, trong vòng 180 ngày đưa ra báo cáo đánh giá đối với từng quốc gia xem liệu biện pháp khắc phục có cần thiết để bảo đảm quan hệ thương mại có đi có lại hay không.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_437_51482235/5ec1de34ed7a04245d6b.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Trump cho biết quyết định áp thuế "có đi có lại" nhằm mục đích công bằng, đồng thời lưu ý sẽ có thêm thuế nhập khẩu đối với ô-tô, chất bán dẫn và dược phẩm.
Một số nhà đầu tư và nhóm doanh nghiệp đã phản đối động thái áp thuế của Tổng thống Trump, cho rằng điều này có khả năng làm gia tăng áp lực giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ, mặc dù vẫn còn bất đồng về tác động lâu dài đối với nền kinh tế.
Các giám đốc điều hành của Ford gần đây cho biết hãng sản xuất ô-tô này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các khoản thuế đối với Canada và Mexico.
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định mở rộng thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ các quốc gia khác, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/3/2025. Bước đi này ngay lập tức đã làm gia tăng căng thẳng thương mại và gây quan ngại về tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.
Nhiều đối tác quan trọng của Mỹ đã phản ứng mạnh trước quyết định này.
Canada, nhà cung cấp thép và nhôm lớn cho Mỹ, đã chỉ trích bước đi của chính quyền Trump và cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả nếu cần.
Các quốc gia khác như Anh, Hàn Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp của họ và cân nhắc các biện pháp đối phó.
Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối quyết định này và cảnh báo sẽ có các biện pháp "trả đũa" tương tự.