Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 10/2 - 15/2
Shell dự kiến nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu sẽ tăng vọt ít nhất đến năm 2030; Giá cước vận chuyển dầu thô của Nga từ các cảng Baltic đến Ấn Độ tăng mạnh... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng tuần qua.
![Ảnh: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_232_51485828/6dc194aaa7e44eba17f5.jpg)
Ảnh: Reuters
1. Giá cước vận chuyển dầu Ural của Nga từ các cảng Baltic đến Ấn Độ đã tăng 20% vào tháng 2 lên 7 đến 8 triệu USD cho mỗi chuyến, sau khi chính quyền Tổng thống Biden áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với dầu thô của Nga.
Kế hoạch tải hàng tạm thời của Nga vào tháng 2 cho các cảng phía tây đã được điều chỉnh tăng 19% lên 1,9 triệu thùng mỗi ngày, theo tính toán của Reuters vào đầu tháng này.
2. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga đang tuân thủ đầy đủ hạn ngạch khai thác dầu theo thỏa thuận sản lượng của OPEC+ vào tháng 1 và tháng 2.
OPEC, hay nhóm OPEC+, cùng các nhà phân tích và quan sát thị trường đang dựa vào ước tính từ các nguồn độc lập và dữ liệu theo dõi tàu để theo dõi và phân tích lượng dầu thô mà Nga thực sự bơm và cung cấp cho thị trường quốc tế.
3. Ông lớn dầu khí Mỹ Exxon Mobil Corp. đang xin giấy phép về môi trường cho dự án thứ tám của mình ở Guyana.
Exxon cũng đang tìm cách thăm dò một giếng khác tại lô ngoài khơi khổng lồ của mình, người đứng đầu công ty dầu mỏ của Mỹ tại Guyana tiết lộ.
4. Shell, công ty giao dịch LNG hàng đầu thế giới, dự kiến nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu sẽ tăng vọt ít nhất đến năm 2030 trong mọi kịch bản mà công ty đã mô hình hóa trong báo cáo an ninh năng lượng mới.
Kịch bản an ninh năng lượng năm 2025 cho thấy nhu cầu LNG sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới ở cả ba kịch bản.
5. Ấn Độ có kế hoạch khởi động các vòng cấp phép dầu khí mới sớm nhất là vào tuần này, Bộ trưởng Dầu mỏ Hardeep Puri cho biết, khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới này tìm cách tăng nguồn cung cấp hydrocarbon trong nước.
Bộ trưởng Puri cũng cho biết năng lượng có thể sẽ là chủ đề thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại một cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
6. Estonia, Latvia và Litva, ba quốc gia vùng Baltic đã chính thức rút hệ thống điện của họ khỏi lưới điện của Nga và tham gia vào lưới điện EU từ ngày Chủ Nhật.
Các quốc gia kể trên đã hoàn toàn độc lập với hệ thống điện của Nga và Belarus sau khi tham gia thành công vào thị trường năng lượng nội bộ EU bằng cách hòa vào mạng lưới Châu Âu thông qua Ba Lan, Ủy ban Châu Âu cho hay.