Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phát biểu tại Munich: Các bên cùng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Nga - Ukraine tham gia đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 14/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới hòa bình, bao gồm bất kỳ sự đồng thuận nào giữa Mỹ và Nga về các cuộc đàm phán.
![Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị An ninh Munich (MSC) tại Munich, Đức vào ngày 14/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_197_51485609/e38c98ecaba242fc1bb3.jpg)
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị An ninh Munich (MSC) tại Munich, Đức vào ngày 14/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trung Quốc từ lâu đã duy trì lập trường đối thoại là giải pháp duy nhất cho khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh, như kế hoạch hòa bình sáu điểm do Trung Quốc và Brazil công bố vào tháng 5/2024, đã bị ông Zelenskyy bác bỏ với lý do thiên vị lợi ích của Moscow.
Bên cạnh vấn đề Ukraine, ông Vương Nghị cũng lên tiếng về căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông tuyên bố Bắc Kinh sẽ "kiên trì tới cùng" trong cuộc chiến thương mại với Washington, mặc dù Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ.
Những phát biểu này được đưa ra sau khi ông Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế lên tới 15% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ngoài ra, các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của chính quyền ông Joe Biden trước đó cũng làm gia tăng căng thẳng, khi Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vương nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn và sẽ không sợ hãi trước các thách thức. Ông cũng trích dẫn tác phẩm Kinh Dịch để nhấn mạnh tinh thần kiên cường của Trung Quốc, đồng thời nhắc đến DeepSeek, một ứng dụng AI phát triển trong nước, như một minh chứng cho khả năng công nghệ của Trung Quốc bất chấp các lệnh hạn chế chip từ Mỹ.