Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được UBND tỉnh phê duyệt và bố trí vốn trùng tu năm 2021 từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng. Dự án chính thức được thực hiện từ ngày 23/11/2021 và dự kiến hoàn thành vào ngày 23/8/2025. Đây là dự án được cộng đồng quan tâm, bởi điện Thái Hòa là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở Đại Nội.
Điện Thái Hòa cũng là công trình kiến trúc mà nhiều du khách trong nước và quốc tế mong muốn được tham quan, tìm hiểu khi đến Huế. Từ tết Nguyên đán đến nay, dù chưa hoàn thiện, di tích này vẫn thu hút du khách đến tham quan. Để mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn khi đến tham quan Hoàng cung, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nỗ lực để công trình hoàn thành trước tiến độ. Hiện nay, các nghệ nhân, chuyên gia, thợ xây dựng đang miệt mài, nỗ lực trong giai đoạn trang trí hoàn thiện công trình.
Với tầm quan trọng cũng như giá trị của điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với Công ty CP Tu bổ di tích Huế - đơn vị thi công quyết tâm nỗ lực trùng tu công trình với chất lượng cao nhất. Công tác trùng tu được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị thi công tiến hành nghiên cứu các cứ liệu lịch sử, châu bản, bút phê… để hiểu rõ sự giao thoa giữa các thời kỳ, mỗi một thời kỳ trùng tu những gì, có những yếu tố nào mới, yếu tố nào được lưu giữ từ các thời kỳ trước, từ đó đưa ra những giải pháp kế thừa, bảo tồn và thay thế.
Ngay công tác hạ giải cũng được tiến hành hết sức cẩn trọng. Công trình được Công ty CP Tu bổ di tích Huế chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái… Đơn vị thi công cũng đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện gỗ, các con giống và ô hộc bờ nóc, bờ quyết trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Các cấu kiện được đánh dấu không làm ảnh hưởng đến hiện trạng và được giữ trong suốt quá trình thi công.
Điện Thái Hòa có bảo vật quốc gia là ngai vàng của vua Triều Nguyễn. Ngai vàng đã được di dời đến cất giữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Trong quá trình thực hiện trùng tu di tích, Bửu tán và bục đặt ngai vàng vẫn còn nguyên vẹn nên không can thiệp, được bao bọc bằng hệ khung thép, lợp tôn bảo quản nguyên vị trí trong suốt quá trình thi công. Đơn vị thi công chỉ tháo dỡ 3 bộ cửa võng khu vực Bửu tán để chuyển vào kho bảo quản.
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ di tích Huế cho hay, nền gạch của di tích điện Thái Hòa là dấu ấn của công trình, có giá trị lịch sử. Loại gạch lát nền này được đưa từ Pháp về Việt Nam, vào năm 1894 thời vua Thành Thái đã lát nền gạch hoa này. Để bảo vệ nền gạch, Công ty CP Tu bổ di tích Huế làm sàn bảo vệ theo quy trình: Tẩy sạch nền gạch, quét lớp sơn chống thấm, trải một lớp nilon và lớp cao su, làm hệ khung gỗ, lát thép tấm lên trên để đảm bảo an toàn cho nền gạch di tích trong thời gian thi công. Đồng thời, bao bọc cột rồng, mái lưa bằng nilon xốp và khung gỗ, các con rồng bậc cấp được bọc bằng mút xốp và bảo vệ khung gỗ bên ngoài.
Lần đầu tiên trong công tác trùng tu di tích, chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thực hiện công nghệ scan 3D với công trình di tích điện Thái Hòa. Quá trình scan 3D được thực hiện trước, trong và cả sau khi trùng tu. Từ đó, lưu lại những hình ảnh, tư liệu để đối sánh cho công tác trùng tu và khắc phục các sai lệch trước đó. Việc scan 3D toàn bộ công trình sau khi hoàn thành trùng tu cũng nhằm số hóa, lưu trữ để các thế hệ sau này có cơ sở tham khảo, tu bổ khi di tích bị hư hại.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh, công tác trùng tu điện Thái Hòa luôn cẩn trọng, chuẩn mực trong từng công đoạn. Chỉ riêng hệ thống trang trí bờ khuyết, bờ nóc, ô hộc cũng rất phức tạp, công phu, đòi hỏi trình độ tay nghề của nghệ nhân rất cao, hội tụ nhiều ngành nghề truyền thống, như: khảm sứ, nề ngõa, pháp lam… Việc tổ chức thi công công trình luôn có sự phối hợp, các bộ phận làm việc tại công trình đều được bố trí theo quy định, có giám sát của chủ đầu tư, giám sát kỹ thuật, bộ phận điều hành chỉ huy công trường của đơn vị thi công… Đặc biệt, luôn có hội đồng khoa học gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Huế trao đổi, thảo luận các giải pháp thi công để chọn ra phương án tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là đảm bảo chuẩn xác, tôn vinh giá trị di tích.