Để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh luôn trường tồn và tỏa sáng

Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các tiết mục ví, giặm đặc sắc được biểu diễn tại đêm khai mạc Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Các tiết mục ví, giặm đặc sắc được biểu diễn tại đêm khai mạc Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Sau 10 năm, việc bảo tồn và phát huy di sản này ở Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cho Dân ca Ví, Giặm được tỏa sáng và trường tồn cùng dân tộc.

Sáng tạo mang tầm nhân loại

Dân ca Ví, Giặm ra đời trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ; tồn tại, phát triển trong cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Qua mỗi thời kỳ, lại được trao truyền, kế thừa và sáng tạo để thích ứng hơn với môi trường, hoàn cảnh xã hội và điều kiện lịch sử mới.

Nguyên khởi, Dân ca Ví, Giặm được ứng diễn trong lao động, sản xuất, hội hè, đình đám, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân lao động. Không gian diễn xướng là sân đình, cây đa, bến nước hay trên đồng ruộng, sân bãi…

Ngày nay, khi cuộc sống thay đổi, bộ mặt nông thôn, thành thị biến chuyển theo hướng hiện đại hóa, Dân ca Ví, Giặm cũng dần thích ứng, biến đổi theo. Loại hình nghệ thuật này thường được thể hiện trên sân khấu, thông qua các liên hoan, hội thi, sinh hoạt văn nghệ từ cơ sở cho đến cấp tỉnh, các cuộc thi do Trung ương tổ chức. Ngoài ra còn được sử dụng trong các trò chơi dân gian của thiếu nhi, trong trường học. Điều quan trọng là, di sản không chỉ được thực hành tại Nghệ An - Hà Tĩnh mà còn được người dân xứ Nghệ xa quê mang theo tới nhiều địa phương khác.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là sự kết tinh khả năng sáng tạo lời ca và giai điệu của các cộng đồng người Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, từ chất liệu của di sản này, nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm âm nhạc đã ra đời, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được công chúng cả nước yêu thích, đón nhận.

UNESCO ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã góp phàn nâng cao tầm nhìn về loại hình di sản này ở tầm quốc gia và quốc tế. Qua đó khẳng định và khuyến khích sự ứng tác, sáng tạo các biểu đạt truyền khẩu, nghệ thuật diễn xướng bằng phương ngữ, đảm bảo sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa của nhân loại. Việc bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là nhiệm vụ của cộng đồng người dân Xứ Nghệ mà còn là nhiệm vụ của quốc gia, dân tộc nhằm bảo vệ một sáng tạo mang tầm nhân loại.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, trong 10 năm qua, hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đồng thời, tổ chức các liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp liên tỉnh, mở rộng và phát triển các câu lạc bộ, quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân và lực lượng kế cận, đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào trường học; thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam với UNESCO về bảo vệ, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.

Kể từ Liên hoan Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ lần thứ Nhất năm 2012, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức thêm 4 kỳ Liên hoan, Festival vào các năm 2014, 2016, 2018 và 2023. Trước khi diễn ra Liên hoan cấp tỉnh, cấp liên tỉnh và Festival đã diễn ra Liên hoan ở cấp cụm với sự tham gia của các câu lạc bộ ở nhiều địa phương. Đây là hoạt động quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có và tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng; tạo cơ hội để thành viên các câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, việc tuyên truyền, quảng bá dân ca Ví, Giặm được mở rộng không gian đến cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, châu Á. Loại hình nghệ thuật này cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Hàng trăm cuốn sách, bài viết, nghiên cứu khoa học về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Tại Hà Tĩnh, đến năm 2024 có 209 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với gần 3.000 hội viên, ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau; 68 Nghệ nhân Dân gian được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng; 3 Nghệ nhân Nhân dân và 22 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng.

Hoạt động truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng diễn ra sôi nổi. Hệ thống các câu lạc bộ đã tạo được một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, mở rộng đến các cơ quan, trường học, tiến tới nhà nhà biết hát Dân ca Ví, Giặm. Đây là một trong những “cái nôi” lưu giữ loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đã tổ chức giảng dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các giờ học ngoại khóa; đưa vào thành các chuyên đề trong Chương trình giáo dục địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Nguyệt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Thành Sen (thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ, Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Thành Sen trong 10 năm qua đã truyền dạy cho hàng trăm lượt thành viên trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và các địa phương lân cận. Ngoài ra, Nghệ nhân Đặng Thị Nguyệt đã sáng tác hàng trăm bài hát, vở kịch hát dân ca biểu diễn tại các buổi liên hoan, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ địa phương.

Sau khi được UNESCO ghi danh, Hà Tĩnh đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND, ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân 1,5 triệu đồng/tháng/nghệ nhân; Nghệ nhân Ưu tú 1 triệu đồng/tháng/nghệ nhân; hỗ trợ xây dựng mới câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm 30 triệu đồng/câu lạc bộ; hỗ trợ duy trì 5 triệu đồng/câu lạc bộ/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn tồn tại một số khó khăn. Các làn điệu dân ca cổ (nguyên gốc) cũng như cách thức trình diễn của Dân ca Ví, Giặm dần bị mai một, ít người nhớ đến; tính sáng tạo đã bị hạn chế, không còn sự đối đáp ngẫu hứng mà phụ thuộc phần nhiều vào bài bản, lớp diễn...

Bên cạnh đó, các Nghệ nhân Dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao, không đủ sức để thực hành và truyền dạy. Trong khi đó, lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình nghệ thuật này này nên sự kế thừa chưa nhiều. Một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống.

Môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ. Việc cải biên hoặc “sáng tác” không nắm vững những bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản. Việc huy động kinh phí xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, với Dân ca Ví, Giặm nói riêng còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc từ ngân sách Nhà nước...

Hoàng Ngà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/de-dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-luon-truong-ton-va-toa-sang-20241128150734176.htm
Zalo