Cẩn trọng khi đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng

Cứ mỗi dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ lại trở nên rầm rộ hơn trên mạng xã hội, mặc dù đây là hành vi vi phạm pháp luật và đã bị cấm nhưng các đối tượng cho đổi tiền lẻ mất phí vẫn có nhiều chiêu trò để lách luật, hoạt động bí mật hơn.

Việc đổi tiền lẻ tưởng như không có nguy hại nhưng lại là cơ hội để các kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản như nhận phí đổi nhưng không đưa tiền hoặc bị “độn” tiền rách, tiền cũ.

Chỉ cần gõ từ khóa “đổi tiền lẻ” hay “đổi tiền mới 2024” là có vô số bài viết quảng cáo của các tài khoản mạng xã hội trên các hội nhóm kèm theo đó là những lời chào mời hấp dẫn. Trong vai người cần đổi tiền, phóng viên Đài Hà Nội đã liên hệ với một tài khoản.

Tuy nhiên, người này yêu cầu khách phải cọc trước một khoản tiền nhưng mọi giao dịch chỉ diễn ra online. Thực tế, nhiều người có nhu cầu đổi online sau khi giao dịch đã không nhận được tiền.

Chị Nguyễn Thị Minh Tú, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy chia sẻ: "Người ta nói mình đặt cọc trước, lấy ít thì không phải cọc nhưng người giao dịch và làm trực tiếp là khác nhau, họ đưa người khác đưa tiền cho mình. Điều này cũng khiến em rất lo ngại".

Theo quy định, ngoài Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc Nhà nước thì mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Luật sư Phan Kế Hiền - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: "Theo quy định của luật pháp tại Điều 12,13 Thông tư số 25/2013 của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước và các hệ thống hệ thống ngân hàng, công ty tài chính được Nhà nước cho phép thì mới được lưu chuyển, đổi tiền lẻ, tiền mới. Đối với việc giao dịch đổi tiền giữa người dân với nhau đang là giao dịch dân sự và hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định về cấm hành vi này. Và cũng chưa có điều khoản nào quy định về xử phạt đối với hoạt động đổi tiền giữa các cá nhân với nhau. Mỗi người dân trước khi giao dịch cần nâng cao tinh thần cảnh giác".

Để tránh “tiền mất, tật mang”, các chuyên gia khuyến nghị, quy định pháp luật đã hết sức cụ thể và rõ ràng, người dân nên tìm đến các cơ sở được phép đổi tiền để thực hiện giao dịch nếu có nhu cầu, không nên tin tưởng vào các cá nhân đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội khi mình không có thông tin nhân thân chính xác để tránh tiền mất thật mà tiền mới thì không có. Thay vì vất vả tìm cách đổi tiền mới, người dân có thể sử dụng các dịch vụ lì xì trực tuyến của ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán.

Kim Oanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-trong-khi-doi-tien-le-tien-moi-qua-mang-295101.htm
Zalo