Cần thiết đầu tư đường sắt tốc độ cao

Dự án đường sắt tốc độ cao tốc độ 350km/h trên trục Bắc – Nam vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, tái cơ cấu thị phần vận tải, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Dự án này còn giúp tăng cường kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế, và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ban chấp hành Trung ương cũng đã giao các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật kỹ lưỡng để xin ý kiến Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định ngay tại kỳ họp thứ 8 sắp tới. Hiện, phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao dang được tính toán kỹ lưỡng để mang lại giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo tính toán, với tốc độ 350 km/h, cự ly ga trung bình 50-70km , thời gian đi từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn 5h30 phút

Các chặng Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt là 1,3 giờ; 2,7 giờ và 4,3 giờ, nhanh hơn nhiều so với đường sắt hiện hữu và ô tô khách. Thậm chí có chặng còn nhanh hơn đi máy bay (nếu tính cả thời gian chờ đợi).

Về công năng vận tải, Đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách và hàng hóa nhẹ khi có nhu cầu. Đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ chuyên vận chuyển hàng hóa và khách du lịch ngắm cảnh chặng ngắn.

Với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, đường đôi khổ tiêu chuẩn 1435mm. Bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên toàn tuyến có 23 ga khách, cách nhau trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, giúp tối ưu hóa vận tải và kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.

Hành lang kinh tế Bắc Nam kết nối 20 tỉnh, Thành phố là hành lang kinh tế quan trọng nhất của cả nước khi đóng góp trên 50% GDP. Do vậy, đầu tư đường sắt tốc độ cao hiện đại sẽ giúp thúc đẩy và tạo đà bứt phá cho tuyến hành lang kinh tế này. Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ giúp hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, bền vững, phát huy tối đa lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang Bắc - Nam, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường.

140 năm…Trải dài qua 34 tỉnh, thành,… dấu ấn thời gian cùng với những biến cố lịch sử của đất nước qua 2 cuộc chiến tranh đã khiến nhiều đoạn đường sắt và những toa tàu trở nên cũ kĩ, xuống cấp, thiếu kết nối các loại hình vận tải, đặc biệt là hệ thống cảng biển.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lần này xây dựng đường sắt tốc độ cao, điện khí hóa, đường đôi, khổ 1435, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự án được đề xuất đầu tư 1 lần, khởi công vào năm 2027 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Để hoàn thành dự án, dự kiến nguồn vốn nhà nước bố trí trong các kỳ trung hạn sẽ trong khoảng 12 năm. Mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỉ USD, tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hằng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030.

Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt tới năm 2050 khoảng 18,2 triệu tấn/năm; vận tại hành khách là 119,4 triệu lượt hành khách/năm. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội này, đã đến lúc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, hiện đại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Duyên - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-thiet-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-237722.htm
Zalo