Thúc đẩy kết nối kinh tế liên khu vực
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh 3 nguyên tắc và 4 giải pháp chính để xây dựng các liên kết kinh tế khu vực hiệu quả
Ngày 16-11 (giờ địa phương), tại Trung tâm Hội nghị Lima ở Peru, Chủ tịch nước Lương Cường và các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31, tập trung trao đổi về thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bao trùm và thực hiện tầm nhìn và các kế hoạch hành động của APEC.
Trước đó, ngày 15-11, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời. Đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao và là cơ hội để các nhà lãnh đạo APEC trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực. Phiên đối thoại năm nay có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC và 3 đối tác khách mời là đại diện lãnh đạo Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Ngân hàng Phát triển Mỹ Latin và Caribe (CAF).
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC và khách mời nhấn mạnh vai trò của hội nhập, kết nối kinh tế liên khu vực trong phát triển kinh tế và giải quyết các thách thức toàn cầu; yêu cầu tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các khu vực. Trước những chuyển động mạnh mẽ của tình hình thế giới hiện nay, APEC cần thúc đẩy hợp tác với ASEAN, các nước châu Phi, châu Âu, Trung Đông về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng bao trùm, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững. Các đại biểu cũng nhấn mạnh lợi ích từ sự bổ trợ giữa Chương trình nghị sự về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) với các hiệp định thương mại tự do khu vực khác.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường ủng hộ quan điểm hợp tác, kết nối liên khu vực vừa là cơ hội vừa là yêu cầu cấp thiết cho phát triển. Để xây dựng các liên kết kinh tế khu vực hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 nguyên tắc và 4 giải pháp chính. Theo đó, 3 nguyên tắc gồm: Tăng cường đối thoại, đồng thuận, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển; tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; bảo đảm lợi ích cân bằng, bao trùm, bình đẳng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Bốn giải pháp là: Triển khai quá trình liên kết có chọn lọc và theo lộ trình, phát huy tối đa lợi thế và tính bổ trợ giữa các khu vực; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả các cơ chế hiện có; khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả của các quan hệ đối tác Bắc - Nam, Nam - Nam, đối tác công - tư; đồng thời chú trọng xây dựng các cầu nối liên khu vực, liên cộng đồng, các mạng lưới hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết thương mại - đầu tư, tài chính - ngân hàng, hạ tầng, giao lưu văn hóa - nhân dân...
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế trong và ngoài APEC để thúc đẩy các kết nối liên khu vực hiệu quả, có lợi cho tất cả người dân và doanh nghiệp. Với vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực Đông Nam Á và mạng lưới logistics hiện đại, Việt Nam có đủ khả năng đóng vai trò cầu nối trong mở rộng giao thương và kết nối liên khu vực. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. Thời gian tới, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và khu vực Mỹ Latin năng động, sáng tạo.
Dịp này, ngày 15-11, Chủ tịch nước Lương Cường đã có các cuộc gặp Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc) Lý Gia Siêu để bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác.