Malaysia cam kết hội nhập khu vực, không thể thiếu ngành công nghiệp Halal

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, Malaysia cam kết tăng cường hội nhập khu vực và hưởng lợi từ sự hợp tác chặt chẽ hơn, bao gồm cả trong ngành công nghiệp Halal.

Báo The Sun trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia (MITI) Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz khi đang tham dự sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 tại Lima, Peru.

Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz. (Nguồn: The Sun)

Bộ trưởng Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz. (Nguồn: The Sun)

Ông cho biết, thông qua bản ghi nhớ mới nhất, Malaysia sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Peru trong việc phát triển khuôn khổ chứng nhận Halal, qua đó củng cố vị thế của Peru trên thị trường Halal toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.

"Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn và mở ra những cơ hội mới cho người dân của cả hai nước”, Bộ trưởng khẳng định.

MITI đã tổ chức một cuộc tọa đàm quy tụ 17 công ty Malaysia và 18 công ty Peru, mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, năng lượng tái tạo, Halal và hậu cần.

Theo Bộ trưởng Tengku Datuk Seri Zafrul Abdul Aziz, "với một loạt hiệp định thương mại tự do toàn diện, Malaysia không chỉ là cửa ngõ vào thị trường ASEAN mà còn mở rộng khả năng tiếp cận cho các công ty Peru để mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Malaysia được công nhận là quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong việc thành lập hệ thống chứng nhận Halal quốc gia. (Nguồn: Vulcan Post)

Malaysia được công nhận là quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong việc thành lập hệ thống chứng nhận Halal quốc gia. (Nguồn: Vulcan Post)

Malaysia đang nổi lên là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về ngành công nghiệp Halal. Điểm nhấn trong hành trình chinh phục thị trường Halal nghìn tỷ USD của Malaysia là việc thành lập Trung tâm nghiên cứu nằm trong Vụ các vấn đề Hồi giáo thuộc Văn phòng Thủ tướng năm 1974 với chức năng ban hành chứng nhận Halal cho các sản phẩm phù hợp với Luật Hồi giáo (Luật Shari’ah).

Hiện Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) thuộc chính phủ Malaysia, thông qua Ban Quản lý Halal là cơ quan chính chịu trách nhiệm về chứng nhận và thực thi Halal.

Năm 2000, Malaysia công bố tiêu chuẩn Halal, thậm chí đi trước nhiều quốc gia Hồi giáo khác. Ngành công nghiệp Halal ở đất nước Đông Nam Á với hơn 60% dân số là Hồi giáo này không chỉ giới hạn trong thực phẩm mà cả các lĩnh vực khác như sản phẩm y tế, mỹ phẩm, ngân hàng, dịch vụ, đầu tư và ngân hàng Hồi giáo.

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/malaysia-cam-ket-hoi-nhap-khu-vuc-khong-the-thieu-nganh-cong-nghiep-halal-294014.html
Zalo