CẦN NHỮNG QUYẾT SÁCH THIẾT THỰC ĐỂ THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 4 tháng đầu năm 2023 có khoảng 500 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm , chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Diễn đàn Người Lao động năm 2023, với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn' được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc cho người lao động nước ta.

Theo chương trình, ngày 28/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Người Lao động năm 2023, với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), với sự tham gia của khoảng 500 người đại diện cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phổ; công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo Quốc hội và các lãnh đạo Bộ, ngành ở Trung ương với đoàn viên công đoàn, người lao động. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang gặp nhiều thách thức, tăng trưởng thấp, đơn hàng giảm, người lao động và người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn…

Việc tổ chức Diễn đàn được kỳ vọng sẽ gợi mở những quyết sách cụ thể, thiết thực để tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường lao động Việt Nam. Bởi theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong bối cảnh kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 có nhiều khó khăn, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp).

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động mất việc, thôi việc chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử.

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động mất việc, thôi việc chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử.

Trong đó: Số lao động thôi việc, mất việc làm là 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng), lao động mất việc, thôi việc chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội.

Số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); Số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng); Số lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất (28% lao động là thợ may, 8% lao động là thợ lắp ráp). Số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nêu nguyên nhân của việc cắt giảm lao động là việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng trước tình trạng thôi việc, mất việc làm của người lao động và đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu quan điểm, khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội. Số lao động mất việc làm trong quý 1/2023 là 149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với quý 1/2022.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động.

Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi lẽ khi đó người lao động dễ bị tổn thương do mất nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả những người phụ thuộc vào họ, như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn hoặc khó có khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực phẩm…

Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng. Trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, nếu họ không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao. Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia.

Do vậy, đại biểu cho rằng trong thời điểm này, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống, như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Còn đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc lo ngại tình trạng mất việc làm ở một số địa phương và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, khiến tình hình xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở cả nước luôn duy trì ở mức thấp là 2,25% nhưng thất nghiệp ở nhóm lực lượng lao động thanh niên luôn ở mức cao hơn rất nhiều, chiếm tỷ lệ là 7,61%. Đáng lưu ý, trong quý I/2023, số lao động mất việc tăng lên gần 13% so với cùng kỳ. Đáng lo ngại, tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, bị mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng và nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Vấn đề đặt ra là vì sao trong bối cảnh bị mất việc làm nhưng nhiều lao động lại không quay trở lại thị trường tham gia ứng tuyển việc làm mới và vì sao các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được người lao động?

“Phải chăng có điểm nghẽn của thị trường lao động tại các khu vực có quy mô, số lượng quan hệ lao động lớn trong nước và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập nhằm để phục hồi nhanh kinh tế - xã hội cũng đã được Chính phủ đặt ra gần đây trong Nghị quyết số 06. Hy vọng rằng với những mục tiêu, nhiệm vụ rất rõ ràng và thị trường lao động Việt Nam sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn, không còn bị động tiềm ẩn những yếu tố bất ổn dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và sự yên tâm cho chính người lao động khi tham gia thị trường lao động trong tương lai”, đại biểu Trần Văn Tiến kỳ vọng.

Việc tổ chức Diễn đàn Người Lao động năm 2023, với Chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” được kỳ vọng sẽ là dịp để đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giúp đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78291
Zalo