Cần những chính sách đồng bộ để cải thiện lương cho nhân viên trường học

Theo ông Lê Như Tiến, trường học có thể vận hành, đảm bảo hoạt động giáo dục thì phải cần đến sự hỗ trợ của những lực lượng khác ngoài nhà giáo.

Thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển ngành giáo dục. Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên trường học, thực tế lương, thu nhập vẫn còn thấp so với mặt bằng chung khiến đội ngũ này không khỏi trăn trở.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Ngọc Hường, hiện đang là nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, hiện nay, chị Hường đang phụ trách kiêm nhiệm thiết bị, y tế, văn phòng và làm một số công việc khác theo sự chỉ đạo của lãnh đạo trường.

Hàng tháng, chị nhận mức lương chưa tới 6 triệu đồng và với mức lương này, dù có chi tiêu tiết kiệm thì cuộc sống vẫn chật vật, vất vả. Do đó, ngoài công việc chính trên trường, chị Hường còn làm thêm rất nhiều công việc khác như làm nông, bán hàng online để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

“Trên thực tế, chúng tôi phải làm rất nhiều công việc, kiêm nhiệm cả những việc không đúng chuyên môn dù không được hưởng quyền lợi từ những công việc đó.

So với nhiều vị trí khác, lương thực nhận của đội ngũ nhân viên trường học rất thấp, đãi ngộ thấp và với chi phí sinh hoạt hàng tháng cộng thêm các khoản chi tiêu phát sinh thì chúng tôi rất khó để có thể sống bằng tiền lương”, chị Hường chia sẻ.

 Ngoài công việc nhân viên thư viện, chị Nguyễn Thị Ngọc Hường còn làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Ảnh: NVCC

Ngoài công việc nhân viên thư viện, chị Nguyễn Thị Ngọc Hường còn làm thêm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Ảnh: NVCC

14 năm công tác tại trường học ở vị trí nhân viên thư viện, chị Liễu Thị Thu Hiền - Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn không khỏi chạnh lòng khi thu nhập hàng tháng còn không bằng lương của giáo viên mới hết tập sự.

Theo chia sẻ của chị Hiền, chuyên môn chính của chị là nhân viên thư viện trường học. Tuy nhiên, ngoài công việc chính, chị còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ trực văn phòng, photo, đăng ký tạm trú, tính toán học sinh đầu vào, cấp phát bằng tốt nghiệp và nhiều công việc không tên khác. Dù khối lượng công việc nhiều như vậy nhưng tính đến nay, sau 14 năm công tác thu nhập của chị chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng. Khi gánh nặng gia đình, áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai, chị Hiền buộc phải tìm thêm các công việc khác ngoài giờ hành chính để có thêm thu nhập.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hiền cho biết không ít lần bản thân đã có dự định sẽ tạm dừng công việc hiện tại để tìm kiếm một công việc khác có thu nhập tốt hơn, không phải chật vật hàng tháng khi lương không đủ để chi trả sinh hoạt cơ bản cho gia đình.

“Trên thực tế, chúng tôi đang phải tìm đủ mọi công việc từ làm nông, chăn nuôi, bán hàng online.. để có thể trụ lại với nghề vì nếu chỉ dựa vào lương trên trường thì cuộc sống khó có thể duy trì.

Hiện nay, hầu hết đội ngũ nhân viên trường học đều phải kiếm thêm một công việc khác ngoài giờ hành chính để vơi bớt khó khăn. Dù không ít lần phản ánh, kiến nghị nhưng chế độ cho đội ngũ nhân viên trường học vẫn chưa thực sự được cải thiện”, chị Hiền trăn trở.

 Trên thực tế, nhân viên trường học còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc không tên. Ảnh: NVCC

Trên thực tế, nhân viên trường học còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc không tên. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của một nhân viên thiết bị - thí nghiệm tại trường học trên địa bàn Hà Nội, với vị trí công việc đặc thù, đội ngũ này phải tuân thủ theo lịch làm việc hành chính, bám sát theo chương trình và bài dạy từng tiết học, từng môn nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Theo đó, vị này chia sẻ: “Công việc của nhân viên thiết bị - thí nghiệm là phải bao quát kiến thức về tất cả các đồ dùng dạy học cho tất cả các môn học, bài học trong nhà trường và vận hành các thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất trong trường. Đồng thời, nắm được phân phối chương trình cũng như nội dung bài dạy để hỗ trợ giáo viên trong việc chuẩn bị sửa soạn đồ dùng dạy học khi lên lớp, hỗ trợ giáo viên và học sinh trong các tiết thí nghiệm - thực hành.

Ngoài ra, phải tham gia hỗ trợ giáo viên và học sinh trong các dự án thi khoa học kỹ thuật, tham gia tổ chức các cuộc thi về việc tự làm đồ dùng dạy học trong nhà trường, các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, các tiết dạy giáo viên giỏi của giáo viên.

Như vậy có thể thấy, công việc của một nhân viên thiết bị - thí nghiệm là người trực tiếp tham gia vào hoạt động dạy và học trong nhà trường hằng ngày, trong suốt cả năm học và phục vụ cho các hoạt động giáo dục.

Chúng tôi không chỉ chịu trách nhiệm quản lý kho đồ dùng dạy học cùng các thiết bị, kho hóa chất,...để phục vụ cho công tác dạy - học mà còn phải quản lý cả một hệ thống phòng học bộ môn, phòng chức năng theo quy chuẩn của từng bộ môn.

Trên thực tế, khối lượng công việc của chúng tôi là rất lớn, trách nhiệm nặng nề. Thế nhưng, vị trí việc làm của chúng tôi lại chỉ được xếp lương ở hạng A0, không được thăng hạng, cũng như không được hưởng bất cứ phụ cấp khác của ngành”.

Chế độ kém hấp dẫn, trường học khó tuyển dụng

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mỗi vị trí trong trường học đều có vai trò quan trọng trong việc vận hành, tổ chức các hoạt động giáo dục.

Trong 5 năm trở lại đây, Trường Trung học cơ sở Chương Dương liên tục tuyển dụng nhiều vị trí nhân viên trường học nhưng đến nay số lượng vẫn chưa đầy đủ như mong muốn.

Theo đó, trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng chính là cơ chế tiền lương, chế độ ưu đãi cho đội ngũ này không hấp dẫn nên không thu hút được lao động đến môi trường giáo dục làm việc.

“Xét trong mặt bằng chung, cùng 1 vị trí, công việc nhưng thu nhập của các nhân viên trường học thấp hơn nhiều so với thu nhập bên ngoài. Khi lao động không quá mặn mà với môi trường giáo dục vì e ngại thu nhập khiêm tốn, các cơ sở giáo dục vừa khó khăn trong việc giữ chân nhân viên có nguy cơ bỏ việc, vừa phải chật vật tuyển dụng lao động cho các vị trí còn trống.

Đối với Trường Trung học cơ sở Chương Dương, khi không tuyển dụng được nhân viên, nhà trường buộc phải phân công một số giáo viên thay phiên đảm nhận. Tuy nhiên, việc kiêm nhiệm chỉ mang tính tạm thời và không mang lại hiệu quả, ổn định về lâu dài”, cô Hồng e ngại.

 Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương. Ảnh: NVCC

Cũng theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương, thời gian vừa qua, không ít lần vấn đề chế độ của đội ngũ nhân viên trường học được đưa ra nhưng vẫn đến nay vẫn chưa có thay đổi. So với nhà giáo sau khi được cải cách tiền lương, thu nhập đã ổn định hơn trước thì đội ngũ này vẫn “bập bõm” dù cùng làm trong một môi trường và thời gian làm việc như nhau. Điều này khiến họ chạnh lòng là điều dễ hiểu.

Nếu không có chính sách, chế độ đãi ngộ cho nhân viên trường học thì thời gian tới các cơ sở giáo dục sẽ thiếu hụt nhiều vị trí.

Từ vị trí công việc của mình, chị Hường bày tỏ mong muốn đội ngũ nhân viên trường học sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề theo quy định của viên chức ngành giáo dục.

Hiện tại ưu đãi của nhân viên y tế trường học đang hưởng là 20% nhưng những nhân viên khác như thư viện, thiết bị mới chỉ được hưởng 0,2% phụ cấp độc hại. Còn với chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì nơi có nơi không.

Thứ hai, cần có phụ cấp thâm niên nghề để tránh tạo ra sự phân biệt vô lý cho người lao động cùng trong môi trường công tác. Đây cũng là điều kiện để đội ngũ nhân viên trường học có động lực cống hiến cho lĩnh vực giáo dục.

Ngoài ra, hiện nay nhân viên trường học đang phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc mà không được quy định về ưu đãi, đãi ngộ. Do đó, rất cần thêm những văn bản cụ thể về việc kiêm nhiệm đối với nhân viên trường học để các cơ sở giáo dục có cơ sở sử dụng lao động cũng như đảm bảo quyền lợi tương xứng cho đội ngũ này.

Trường học không chỉ có giáo viên và học sinh

Chia sẻ về nội dung trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, nói đến trường học, chúng ta thường nhắc và quan tâm đến giáo viên và học sinh. Trên thực tế, trường học có thể vận hành và đảm bảo các hoạt động giáo dục - đào tạo thì phải cần đến sự hỗ trợ, góp sức của những lực lượng, đối tượng khác như nhân viên thư viện, kế toán, nhân viên thiết bị, nhân viên y tế (hay gọi chung là nhân viên trường học).

Đánh giá từ tính chất, đặc điểm công việc của đội ngũ nhân viên trường học không khác biệt nhiều so với công việc của giáo viên. Dù họ không phải đứng lớp nhưng vẫn làm việc 8 tiếng/ngày, phải đứng sau hỗ trợ và đảm bảo duy trì các hoạt động phục vụ cho công tác dạy - học của giáo viên và học sinh trong trường học.

“Về bản chất, đội ngũ này không phải nhà giáo nhưng công việc, đóng góp của họ lại có sự tác động, hỗ trợ rất lớn đến các hoạt động giáo dục. Nếu không có họ thì sẽ không thể hoàn chỉnh môi trường giáo dục”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

 Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: T.A

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: T.A

Có thể thấy rằng, thời gian vừa qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo để khuyến khích, động viên nhân lực trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục cố gắng và cống hiến. Song, theo ông Lê Như Tiến, nếu đã quan tâm thì nên quan tâm đồng bộ, tránh tình trạng "quan tâm đặc biệt" một lực lượng mà bỏ quên một lực lượng khác.

Trên thực tế, đội ngũ nhân viên trường học dù không phải nhà giáo nhưng công việc của họ cũng gián tiếp mang tri thức đến cho người học. Họ là lực lượng giúp cho hoạt động giáo dục được hoàn chỉnh, hoàn thiện và toàn diện hơn.

Nếu nhà giáo được hưởng chế độ thâm niên thì bản thân những người làm việc trong ngành giáo dục cũng nên được hưởng những chế độ tương tự như vậy. Đây sẽ là điều kiện để khích lệ, động viên cũng như thu hút nhân lực cống hiến và làm việc cho giáo dục.

Trên cơ sở đó, ông Lê Như Tiến kiến nghị, để phát triển nền giáo dục bền vững thì cần phải xây dựng chế độ cho các lực lượng phục vụ cho ngành giáo dục để họ có động lực làm việc, cống hiến. Thúc đẩy giáo dục là sự quan tâm toàn diện và đồng bộ, không để bất kỳ lực lượng nào nằm ngoài chính sách.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/can-nhung-chinh-sach-dong-bo-de-cai-thien-luong-cho-nhan-vien-truong-hoc-post246957.gd
Zalo