Cân nhắc sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp

Thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, tại tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Kiên Giang và Lào Cai, có ý kiến cho rằng, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng cần giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tăng trưởng cao nhưng vẫn phải giữ vững các nền tảng

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) khẳng định, tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt 8% trở lên, cao hơn chỉ tiêu Trung ương và Quốc hội giao, góp phần tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi. Năm 2025, nếu tăng trưởng không đạt từ 8% trở lên thì những năm sau khó có thể đạt được tăng trưởng hai con số.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng trên 8% có thể thực hiện được, ĐBQH Đặng Xuân Phong (Vĩnh Phúc) cũng đánh giá cao việc dự thảo Nghị quyết đã xác định 3 chỉ tiêu khác là quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD và chỉ số giá tiêu dùng từ 4,5 – 5%.

 Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5

Theo đại biểu, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng lên mức cao hơn, cùng với cho phép tăng nợ công và điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước thông thường sẽ liên đới đến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát. Nhưng, với việc đưa ra 3 chỉ tiêu mới về quy mô GDP, GDP bình quân đầu người và chỉ số tiêu dùng, Quốc hội, Chính phủ đã có tính toán tổng thể, quan tâm thực hiện mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng cần chú ý giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh”, đại biểu nhấn mạnh.

 ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu

Để tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Chính phủ xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai trong thời gian tới về hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Cần có giải pháp đột phá để huy động nguồn lực từ người dân

Bên cạnh 6 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất đạt 8%, đại biểu Đặng Xuân Phong đề nghị, cần có giải pháp đột phá để tận dụng nguồn lực tài chính của Nhân dân vào đầu tư, tiêu dùng.

“Nếu có chính sách tốt thì người dân sẽ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Khi huy động toàn sức dân vào cuộc chúng ta sẽ không cần vay nợ nước ngoài, thay vào đó vay chính Nhân dân để phát triển đất nước, thực hiện các dự án lớn của quốc gia”, đại biểu nhấn mạnh.

 ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu

Về việc huy động nguồn lực từ Nhân dân, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lưu ý, giải pháp này sẽ kéo theo tăng lãi suất khi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Chính phủ phải linh động tìm các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vừa huy động nguồn tiền từ trong Nhân dân nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Về nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch, đại biểu Trần Văn Tiến tán thành với giải pháp “có chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa” được Chính phủ xác định. Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần xây dựng chính sách tài khóa, tiền tệ, triển khai các gói kích cầu để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.

 ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu

ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu

Về nhóm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, đầu tư cho lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng cho phát triển kinh tế, song ngân sách chi cho hoạt động khoa học công nghệ hiện nay vẫn còn thấp.

Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tăng chi phí cho hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ; các Bộ ngành, cơ quan cần biết tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có giải pháp nâng cao trình độ, tay nghề của nguồn lực này thông qua đào tạo để phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, cần có chính sách đủ mạnh, đột phá để tạo động lực cho khối doanh nghiệp FDI chuyển dịch các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Việt Nam.

Một số ý kiến cũng đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án; có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Đặng Xuân Phong đề nghị, Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu đề xuất Quốc hội sửa đổi luật hiện hành hay ban hành nghị quyết đặc thù để cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc trong trong đầu tư phát triển; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ…

Tin và ảnh: Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-nhac-su-dung-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-de-ho-tro-doanh-nghiep-post404567.html
Zalo