'Cần lộ trình chuyển toàn bộ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp'
Ngày 20/5, các vấn đề như việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cơ chế hậu kiểm, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ... nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đồng tình với cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay bổ sung trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức là không tiền kiểm đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro, chứ không phải là kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.
Theo đó, cơ quan Nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro; đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp.
Đại biểu cho rằng, biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này được áp dụng trong ngành thuế và hải quan trong những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích, rất hiệu quả và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng, tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro.
Về điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ trên hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, dự thảo Luật bổ sung quy định điều kiện hệ số nợ phải trả đối với doanh nghiệp không phải công ty đại chúng khi phát hành trái phiếu riêng lẻ không được quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Đây là quy định chưa có ở Luật Doanh nghiệp trước đây.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, nếu quy định cứng tỷ lệ này trong luật sẽ gây khó cho Chính phủ khi soạn thảo các quy định khác về phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Vấn đề hệ số nợ bao nhiêu phụ thuộc vào các quy định pháp lý khác về quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ, thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao. Ngược lại, nếu các quy định khác được nới lỏng thì có khi lại cần siết hệ số nợ này, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đó, đại biểu đề nghị cần giao Chính phủ quyết định về điều kiện hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu với những doanh nghiệp xin phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này cũng đúng tinh thần soạn thảo pháp luật mới, tức là Quốc hội không quyết định các vấn đề chưa ổn định mà cần điều chỉnh linh hoạt, phụ thuộc vào thực tiễn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Media Quốc hội
Tranh luận với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ đồng tình với chủ trương quy định về hệ số nợ phải trả nhằm kiểm soát mức phát hành trái phiếu riêng lẻ, đảm bảo không vượt quá tài sản có của doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và tính công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc xem xét hệ số nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức. Đại biểu đề xuất cần tính toán đến khả năng tăng trưởng, phát triển, quy mô, loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động và mức vay vốn để có mức điều chỉnh hệ số nợ phù hợp.
Theo đại biểu, mức độ an toàn đối với hệ số nợ trong các doanh nghiệp dao động từ khoảng 40-60%, do đó, kiến nghị điều chỉnh hệ số nợ phải trả không vượt mức tối đa 4 lần so với vốn chủ sở hữu thay vì mức 5 lần như dự thảo.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Media Quốc hội
Đề nghị xây dựng lộ trình chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp vào năm 2026
Cũng góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, hiện khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và 940.000 doanh nghiệp. Hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ rất lớn trong khu vực này. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo luật sửa đổi lại chưa đề cập đến việc cải cách mô hình kinh doanh đã được đề cập tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu, Nghị quyết 68 đã xác định rất rõ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Từ sau luật Doanh nghiệp năm 2005, Nhà nước nhiều lần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, song số lượng hộ kinh doanh vẫn tăng. Nguyên nhân chủ yếu, là các hộ kinh doanh đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, không quản lý chặt chẽ về chứng từ kế toán, và mức xử phạt vi phạm hành chính của hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với doanh nghiệp.
"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng lại có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỷ đồng, thì chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của luật doanh nghiệp. Đây là một bất cập nghiêm trọng cần được xử lý," đại biểu Nhị Hà nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Hà đề nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68. Ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, dự thảo Luật cần được thiết kế theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán bảo đảm công bằng và minh bạch.