Cần làm rõ nhiều quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội tại Tổ 2 cho rằng, quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia còn khá chung, chưa thể hiện rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi.
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, đa số các ĐBQH đều tán thành cao với sự cần thiết ban hành cũng như những nội dung trọng tâm được đề xuất tại các dự án Luật, đồng thời góp ý vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.

Toàn cảnh phiên họp
Đóng góp ý kiến về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia (Điều 4) được quy định tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia còn khá chung, chưa thể hiện rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi. Đây là cơ chế chính sách mới, rất quan trọng. Do đó, cần bổ sung và làm rõ các nội dung quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia trong dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết cần quy định đầy đủ các nội dung mang tính chất khung để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết.
Khoản 2 Điều 4 quy định về các nguồn hình thành Quỹ Nhà ở quốc gia. Một số nguồn thu được quy định như: nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công. Việc không phân định nguồn thu sẽ dẫn đến trùng lắp và khó thực hiện, nếu nguồn thu đó đã đưa vào nguồn thu của Quỹ ở Trung ương thì không thể đưa vào nguồn thu của Quỹ ở địa phương. Do đó, nếu thành lập ở cả Trung ương và địa phương thì cần phân định chức năng, nhiệm vụ của Quỹ này ở từng cấp để đảm bảo việc huy động nguồn lực và thực hiện nội dung chi cho phù hợp theo từng cấp độ.
Mặt khác, khoản 1 Điều 11 lại quy định “Ưu tiên sử dụng nguồn thu mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội”. Như vậy, là có sự mâu thuẫn về cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu nên đề nghị xem xét lại nội dung này. Bên cạnh đó, hiện nay, một số địa phương vẫn đang duy trì hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở tỉnh, thành phố (cụ thể như Quỹ Phát triển nhà ở Tp. Hồ Chí Minh), trong đó cũng có việc thực hiện chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên trong thời gian qua không có đủ nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội. Nếu Quỹ Nhà ở quốc gia được thành lập tại địa phương, và vẫn tồn tại Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh, thành phố thì cần xem xét, đánh giá để tránh sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ hoạt động của các loại Quỹ, cần quy định rõ việc tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời cần tính toán để đảm bảo nguồn lực hoạt động của các loại Quỹ trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, khoản 3 Điều 4 quy định “Quỹ nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Như vậy, ngoài tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Quỹ Nhà ở quốc gia còn có chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập “nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”, tức là không phải nhà ở xã hội.
Việc đưa ra quy định này cần làm rõ đối tượng nhà ở cho công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê, bởi quy định này không xác định được loại hình nhà ở nào theo pháp luật nhà ở. Mặt khác, trong khi tên gọi Nghị quyết là “Thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội” thì phạm vi điều chỉnh lại quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia, trong đó có chức năng tạo lập “quỹ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê” (không phải là nhà ở xã hội) là chứa đựng nội hàm rộng hơn, do đó chưa đảm bảo sự phù hợp theo nội dung tên gọi của Nghị quyết.
Rà soát Quỹ Nhà ở quốc gia phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, vì thực tiễn phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc cả từ các chủ đầu tư, đối tượng được mua nhà ở xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hồng Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, làm rõ các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, nhiều nội dung Bộ Tư pháp đề cập chưa được Bộ Xây dựng nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu cũng như không thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ, như Bộ Tư pháp đánh giá dự thảo Nghị quyết có nhiều chính sách vượt trội và khác so với quy định hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn về lý do chọn các quy định này, đánh giá khả năng giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay...

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Về Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh thống nhất với việc hình thành Quỹ này, nhưng cần rà soát sự phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể là quy định tại khoản 19 Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước, khoản 2 Điều 12 Nghị định 163 (hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước). Theo đó, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cũng như các nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Trong khi khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật có quy định một trong những nguồn thu “từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công hợp pháp khác”. Đây đều là những nguồn thu, theo quy định hiện hành phải nộp ngân sách Nhà nước.
Đối với điều kiện, tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 3 Điều 5, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, điểm a, chưa thể hiện điều kiện vượt trội so với quy định hiện hành. Điểm b đề cập về tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư nội dung còn rất chung chung. Dù theo định hướng xây dựng pháp luật, Quốc hội ban hành Luật, Nghị quyết quy định nguyên tắc và những vấn đề cơ bản, còn lại giao Chính phủ và các Bộ ngành nhưng điểm b lại quá chung chung. Tờ trình lại không nêu các vấn đề dự kiến quy định nên ĐBQH không thể có cơ sở có ý kiến. Trong khi đây là tiêu chí rất quan trọng làm cơ sở đảm bảo sự minh bạch trong lựa chọn chủ đầu tư. Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng có ý kiến này và chưa thấy cơ quan chủ trì giải trình trong báo cáo tiếp thu.
Trong khuôn khổ phiên họp, các ĐBQH còn đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật. Tuy nhiên, các ĐBQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần lưu ý tiếp tục rà soát, bổ sung các luật có liên quan tại Báo cáo rà soát Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, kịp thời cập nhật việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật; Tiếp tục làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương. Ngoài ra, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo quy định. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các cam kết, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để có quy định phù hợp, khả thi, bảo đảm thực hiện theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng.
Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các ĐBQH tại Tổ 2

Đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Trần Kim Yến

Đại biểu Trương Minh Hoàng

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Phan Thị Thanh Phương

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đóng góp ý kiến tại phiên họp.