Từ 1/1/2027 áp dụng tiêu chuẩn khí thải, xe máy không đạt phải vứt bỏ?
Hà Nội, TPHCM với hàng triệu xe máy cũ, có thể triển khai việc đo khí thải xe máy từ 1/1/2027 không? Những xe có tuổi đời trên 10 năm, không đạt điều kiện khí thải sẽ được giải quyết ra sao?
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa đưa ra dự thảo lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam. Trong đó, dự thảo đề xuất triển khai kiểm định khí thải xe máy theo từng giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2027, các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tại Hà Nội và TPHCM sẽ được kiểm tra định kỳ khí thải.
Từ 1/1/2028, việc này được mở rộng ra các đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế. Đến năm 2030, việc kiểm định sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Cùng với đó, Bộ NN&MT cũng đề xuất chia mức khí thải theo năm sản xuất của phương tiện. Những xe mô tô sản xuất trước năm 2008 sẽ áp dụng tiêu chuẩn Mức 1 - tiêu chuẩn khí thải thấp nhất; trong khi các dòng xe mới hơn sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Mức 2, 3, và 4.
Như vậy, đến ngày 1/1/2027, 2 địa phương là Hà Nội, TPHCM phải triển khai kiểm tra khí thải xe máy. Hai địa phương này đang ghi nhận lượng khí thải từ xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguồn gây ô nhiễm không khí đô thị.
Nhiều người bày tỏ băn khoăn về việc Hà Nội, TPHCM với hàng triệu xe máy cũ, có thể triển khai việc đo khí thải xe máy từ 1/1/2027 không? Những xe có tuổi đời trên 10 năm, không đạt điều kiện khí thải sẽ được giải quyết ra sao?

Đo khí thải xe máy. Ảnh: VietNamNet
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết, quy định kiểm tra khí thải đã được đưa vào trong luật nên sẽ triển khai.
“Điều khó là lộ trình triển khai như thế nào cho phù hợp. Với mốc thời gian từ 1/1/2027, quy định sẽ triển khai tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, tôi cho rằng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, sẽ phải triển khai xây dựng các trạm kiểm định khí thải xe máy nhưng đến thời điểm này các quy định, quy chuẩn về trạm kiểm định khí thải xe máy chưa được ban hành.
Thứ hai, với số lượng lớn xe máy phải kiểm định, sẽ cần số lượng lớn trạm đăng kiểm, đòi hỏi lượng lớn nhân sự vận hành.
Trong khi đó, để trạm đăng kiểm đủ điều kiện hoạt động, đăng kiểm viên phải có chứng chỉ đăng kiểm viên hạng 3. Điều này đòi hỏi đăng kiểm viên có đủ thời gian để hoàn thành khóa học”, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam nêu ý kiến.
Ngoài các yếu tố trên, các trạm đăng kiểm muốn đủ điều kiện hoạt động còn phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép được đo kiểm do Sở Xây dựng các tỉnh cấp; đầu tư trang thiết bị…
Vị đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam nhấn mạnh, trên đây là những thủ tục mà trong thời gian ngắn rất khó hoàn thiện đầy đủ. Do đó, quan trọng nhất lúc này là các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai.
Xe không đạt tiêu chuẩn khí thải có phải bỏ?
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng kiểm định khí thải bắt buộc, sẽ có khoảng 50 triệu xe máy trên toàn quốc phải trải qua các bước kiểm định, đánh giá định kỳ.
Trong số này, sẽ có cả triệu xe máy cũ buộc phải chấm dứt vòng đời vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Với mức thu nhập không cao, việc phải sửa chữa, cải tiến hoặc thay xe mới để đạt chuẩn khí thải ít nhiều tạo ra gánh nặng cho người dân.
Trái ngược quan điểm này, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho rằng, tại dự thảo đã phân chia mức khí thải theo năm sản xuất. Điều này hạn chế tối đa số lượng xe không đạt tiêu chuẩn, phải bỏ.
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết: “Xe không đạt tiêu chuẩn khí thải nhưng chưa chắc phải bỏ, vì có thể sửa chữa, bảo dưỡng để xe đạt tiêu chuẩn.
Cần bảo dưỡng trước, sau đó mới tính đến phương án sửa chữa, thay thế phụ tùng. Các nhà sản xuất luôn sẵn sàng chuẩn bị phụ tùng thay thế cũng như có đội ngũ sửa chữa, bảo dưỡng để hỗ trợ người dân.
Hơn nữa, với lộ trình áp dụng tuần tự bắt đầu từ 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, rồi đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau đó mới đến các địa phương khác. Những xe đã được bảo dưỡng, sửa chữa dù không đạt vẫn được tiếp tục lưu hành ở những tỉnh chưa thực hiện quy định tiêu chuẩn khí thải…
Tôi cho rằng lộ trình thực hiện như vậy sẽ hạn chế tối đa thiệt hại của người dân. Còn với các phụ tùng thay thế, hiện nay các hãng đều cam kết cung cấp phụ tùng trong 10 - 15 năm sau khi đời xe dừng sản xuất.
Như vậy, các chủ phương tiện không cần quá lo lắng việc không có phụ tùng thay thế nếu xe có tuổi thọ từ 10 - 15 năm”.