Cần xử lý dứt điểm vi phạm xây nhà trái phép trên đất rừng ở Cẩm Xuyên

Một hộ dân ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) xây dựng nhà kiên cố trên đất rừng do Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kẻ Gỗ quản lý khiến dư luận bức xúc, đề nghị xử lý nghiêm để tránh hệ lụy.

Lần theo phản ánh, những ngày giữa tháng 5, chúng tôi có mặt tại khu vực lô a3, khoảnh 1b, tiểu khu 316 thuộc địa bàn thôn Thượng Sơn, xã Cẩm Sơn. Tại đây, chúng tôi chứng kiến một công trình gồm nhiều hạng mục như: phòng ở, nhà vệ sinh, bếp, mái che, sân đổ bê tông… được xây dựng kiên cố trên nền diện tích hơn 80m2.

 Công trình nhà ở kiên cố của chị Nguyễn Thị Vinh - con gái ông Nguyễn Thanh Bình ở thôn Thượng Sơn, xã Cẩm Sơn xây dựng trên diện tích đất lâm nghiệp do Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.

Công trình nhà ở kiên cố của chị Nguyễn Thị Vinh - con gái ông Nguyễn Thanh Bình ở thôn Thượng Sơn, xã Cẩm Sơn xây dựng trên diện tích đất lâm nghiệp do Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.

Tiếp chúng tôi với thái độ dè chừng, chị Nguyễn Thị Vinh (SN 1983) - chủ sở hữu công trình cho biết, đầu năm 2025, sau khi ly hôn, chị được bố đẻ là ông Nguyễn Thanh Bình cho thửa đất này để xây dựng nhà ở. Căn nhà được xây dựng từ đầu tháng 4/2025 với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Hiện tại, công trình đã hoàn thiện, 4 mẹ con chị Vinh đã vào ở được một thời gian. Khi được hỏi về thủ tục cấp phép xây dựng, chị Vinh ngơ ngác không có câu trả lời.

Qua tìm hiểu, được biết, diện tích đất rừng lô a3, khoảnh 1b, tiểu khu 316 thuộc thôn Thượng Sơn là đất lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của KBTTN Kẻ Gỗ. Trước đây, khu vực này được Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ giao khoán cho ông Nguyễn Thanh Bình (bố đẻ chị Nguyễn Thị Vinh) ở thôn Thượng Sơn nhằm mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2015, khi Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh thi công trạm điện để phục vụ dự án chăn nuôi bò chất lượng cao, ông Bình đã được đền bù tài sản trên đất dưới hành lang lưới điện. Kể từ đó, phần diện tích lô a3 nằm dưới hành lang lưới điện không còn giao khoán cho ông Bình và vẫn thuộc quản lý của KBTTN Kẻ Gỗ.

 Ngôi nhà được xây dựng với tổng trị giá trên 200 triệu đồng, bên trong được đầu tư nội thất khá đẹp.

Ngôi nhà được xây dựng với tổng trị giá trên 200 triệu đồng, bên trong được đầu tư nội thất khá đẹp.

Theo quy định của pháp luật, diện tích đất rừng nằm dưới hành lang lưới điện không được trồng cây, canh tác sản xuất, nhất là xây dựng nhà ở. Bởi vậy, hành vi xây dựng nhà ở, trồng cây dưới hành lang lưới điện thuộc khu đất lô a3, khoảnh 1b, tiểu khu 316 thuộc thôn Thượng Sơn của cha con ông Nguyễn Thanh Bình là vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đáng nói, trước hành vi bất chấp quy định của pháp luật, xây dựng công trình trái phép một cách công khai của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, chính quyền địa phương không nắm rõ vụ việc để ngăn chặn kịp thời.

Theo ông Lương Hữu Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn: Khu vực xây dựng công trình nằm xa khu dân cư, lại trùng vào thời điểm thi công đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn nên chính quyền xã không nắm bắt được vụ việc kịp thời. "Mới đây, khi nghe phản ánh của người dân, chúng tôi đã vào kiểm tra. Lúc đó, nhà của chị Vinh đã xây xong và đưa vào sử dụng. Hiện nay, chúng tôi đã báo cho đơn vị quản lý là Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ nhằm có hướng xử lý” - ông Lương Hữu Hưng cho hay.

Video: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ trả lời về giải pháp xử lý vụ việc sai phạm (Video: Trần Vũ).

Tiếp nhận vụ việc, ngày 14/5, cán bộ Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu anh Nguyễn Hữu Hậu (em trai chị Nguyễn Thị Vinh - hộ dân xây dựng công trình) phải tháo dỡ các hạng mục đã xây dựng trái phép.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ cho biết: “Trạm Bảo vệ rừng số 6 quản lý hơn 6.000 ha đất rừng của 2 xã: Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh trong khi chỉ có 4 cán bộ làm nhiệm vụ nên vụ việc xảy ra anh em không nắm bắt được kịp thời, dẫn đến sai phạm. Sau khi nhận được phản ảnh của người dân, đơn vị đã vào cuộc xử lý, yêu cầu hộ dân tiến hành tháo dỡ một số hạng mục như: mái che, cửa cổng… và không được định cư tại đó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm vụ việc”.

 Tiến hành tháo dỡ phần mái che của công trình xây dựng trái phép.

Tiến hành tháo dỡ phần mái che của công trình xây dựng trái phép.

Rõ ràng, việc gia đình ông Nguyễn Thanh Bình xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng sản xuất là vi phạm pháp luật, cho thấy sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai của đơn vị quản lý và chính quyền địa phương. Thời gian tới, Ban Quản lý KBTTN Kẻ Gỗ cần phối hợp với UBND xã Cẩm Sơn để xử lý dứt điểm vụ việc, kiên quyết tháo dỡ toàn bộ công trình và xử phạt theo quy định của pháp luật để làm gương, tránh để lại hệ lụy xấu trong công tác quản lý tài nguyên đất ở vùng sơn địa xã Cẩm Sơn.

Theo Luật Đất đai 2024 (thay thế Luật Đất đai 2013), đất lâm nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp; gồm 3 loại: đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng. Sử dụng đất lâm nghiệp phải đúng mục đích trồng rừng, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích sử dụng trên là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp.

Việc xây nhà trên đất lâm nghiệp là trái quy định pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Theo Điều 10, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Đối với hành vi chuyển đất rừng sang đất phi nông nghiệp, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 3 triệu đến 250 triệu đồng tùy vào diện tích đất chuyển mục đích trái phép.

Phan Trâm - Tuệ Trang

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/can-xu-ly-dut-diem-vi-pham-xay-nha-trai-phep-tren-dat-rung-o-cam-xuyen-post288205.html
Zalo