Cần khuôn khổ pháp lý mới cho xử lý nợ xấu

Ngày 22-5, Báo Pháp luật Việt Nam - Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm 'Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu'.

Nhà báo Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Nhà báo Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Hà Ánh Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã từng là một bước đột phá lớn trong hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Sau hơn 6 năm thực hiện, nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống các tổ chức tín dụng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do thiếu cơ chế đặc thù. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần tiếp tục luật hóa những nội dung cốt lõi, hiệu quả của Nghị quyết 42 nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính - ngân hàng.

Chia sẻ thông tin về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 cho hay, kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã phản ánh sự cần thiết phải luật hóa một số nội dung của nghị quyết nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, với yêu cầu cao về tốc độ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 2 chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: H.Phạm

“Cần luật hóa việc thu giữ tài sản bảo đảm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tiết giản chi phí thời gian, chi phí khác cho ngân hàng trong việc thu hồi và xử lý nợ xấu. Việc ban hành chính sách đúng và trúng sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Theo GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, việc luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết 42 là bước đi chiến lược và cần thiết để tạo lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc, đồng bộ và ổn định cho công tác xử lý nợ xấu.

Để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất, minh bạch và công bằng, GS.TS Võ Xuân Vinh cho rằng, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực thi các quy định về thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực từ phía các tổ chức tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nợ xấu là “cục máu đông” của nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Ông đề xuất luật hóa việc xử lý nợ xấu vào Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, đồng thời, bảo đảm quyền lợi của người thế chấp khi luật hóa Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, cần có quỹ đầu tư trung và dài hạn để hỗ trợ các dự án cùng kỳ hạn.

Minh Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-khuon-kho-phap-ly-moi-cho-xu-ly-no-xau-703116.html
Zalo