Cần giữ vững 'gốc rễ' tri thức
Đọc sách luôn là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực, rèn luyện những kỹ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Tình yêu với sách không bao giờ là câu chuyện cũ. Thế nhưng, trước cuộc sống hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm thói quen đọc sách của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái thay đổi và đang dần bị mai một. Khơi dậy thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái tham quan các gian trưng bày sách tại Chương trình Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Yên Bái năm 2025.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội. Cùng với Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” thì Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Tại tỉnh Yên Bái trong những năm qua, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn như: khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc; Trưng bày, triển lãm và Hội chợ sách; cấp thẻ bạn đọc, chia sẻ tài liệu số tới các đơn vị, trường học; triển khai xe thư viện lưu động đến các điểm trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng các tủ sách đơn vị, tủ sách chi đoàn, tủ sách lớp học; tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách dành cho học sinh; tặng sách cho trẻ em nghèo, thư viện các trường học vùng sâu, vùng xa…
Song thực tế, để phát triển văn hóa đọc thì không chỉ gói gọn trong một ngày hội mà mỗi gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh cũng phải tích cực có những hành động thiết thực để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc như: Thư viện xanh, Thư viện thân thiện, Thư viện điện tử, Tủ sách Đinh Hữu Dư, Tủ sách khu dân cư, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Tủ sách di động, Tủ sách dùng chung… Tuy nhiên, những hoạt động, phong trào này mới chỉ là phần ngọn. Vấn đề quan trọng là làm sao để từ các hoạt động, sự kiện nhân Ngày sách và Văn hóa đọc, từ các mô hình đọc sách khiến việc đọc trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người trong bối cảnh thời đại công nghệ số hiện nay, để mỗi người trẻ trở thành "đại sứ” văn hóa đọc?
Thiết nghĩ, để phát triển văn hóa đọc thì vấn đề "gốc rễ" là phải xây dựng thói quen đọc. Theo đó, cần chú trọng giáo dục cho người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ hiểu rõ vai trò của văn hóa đọc ngay từ gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Trong đó, hệ thống thư viện và không gian đọc cần phải được tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, số hóa sách, tài liệu để người đọc tiếp cận một cách dễ dàng, thuận lợi; thường xuyên cập nhật các đầu sách mới, chất lượng lên trang web để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn, tạo nên môi trường đọc và các tiện ích thân thiện, thuận lợi cho công chúng. Các nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng đọc sách, có những ngày hội về sách để nâng cao vai trò của văn hóa đọc đối với các em học sinh. Đặc biệt, văn hóa đọc cũng phải gắn với chuyển đổi số thông qua việc phát triển kho sách điện tử, sách nói và ứng dụng đọc sách trực tuyến…
Trong nhịp sống thời công nghệ, mỗi người có thể lựa chọn cho mình những cách khác nhau để tiếp cận tri thức từ sách. Nhưng bất kể đọc bằng phương pháp nào, sách vẫn luôn mang lại cho chúng ta những kiến thức phong phú với vô số điều thú vị. Duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại số chính là cách để mỗi người tích lũy thêm tri thức cho mình cũng như xây dựng nền tảng tri thức, phương thức ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội.
Yên Bái đang đứng trước cơ hội vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, trong hành trình đó, mỗi người dân Yên Bái cần xây dựng cho mình thói quen và kỹ năng đọc, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời, để không tụt hậu, không bị động trước những thay đổi mang tính thời đại của quê hương, đất nước, sẵn sàng biến tri thức thành hành động để cùng toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đưa quê hương Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.