'Chạm' vào tri thức số
Trong thời đại bùng nổ công nghệ và kết nối toàn cầu, tri thức không còn bó gọn trong những lớp học truyền thống hay những tủ sách. Giới trẻ ngày nay đang 'chạm' vào tri thức qua những ứng dụng học tập, sách nói, nền tảng số,... ngay trên thiết bị di động của mình.

Đinh Ngọc Châu - học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An), thường nghe sách nói trong những lúc không có đủ "điều kiện" để đọc sách giấy
Giữa nhịp sống hối hả và dày đặc thông tin của thời đại số, việc giữ thói quen đọc sách trở thành điều không dễ dàng với nhiều người trẻ nhưng với em Đinh Ngọc Châu - học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An, tỉnh Long An), sách vẫn luôn là "người bạn đồng hành" không thể thiếu. Châu bắt đầu làm quen với sách từ khi còn nhỏ. Có những năm, em đọc hơn 10 quyển sách. Thể loại sách yêu thích của Châu thường là các tác phẩm viết về chiến tranh, những vấn đề xã hội gai góc và có chiều sâu.
Thế nhưng, trong guồng quay tất bật của việc học, hoạt động ngoại khóa, không phải lúc nào em cũng có thời đọc sách giấy. Và đó là lúc sách nói trở thành “cầu nối”. Trong khi nhiều bạn trẻ chọn nghe nhạc khi tập thể dục, thư giãn thì Châu lại chọn nghe sách nói (em thường dùng ứng dụng Fonos).
Châu chia sẻ: “Em thường nghe sách nói vào những lúc không tiện đọc sách giấy. Và em luôn lựa chọn nghe sách qua ứng dụng có bản quyền. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với người làm ra tác phẩm và cũng là một cách để bảo vệ tri thức chân chính”.
Trong thời đại số, việc đọc sách điện tử hay nghe sách nói ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với giới trẻ. Nhiều nền tảng như Fonos, Voiz FM hay Kindle đang mở ra cánh cửa mới để tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ sản phẩm nào trên môi trường số, sách nói không tránh khỏi mặt trái là vấn nạn xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép khiến công sức của các tác giả và nhà sản xuất bị ảnh hưởng.
Với chị Hoàng Hải Linh, hiện là sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, lại có một lịch trình bận rộn hơn. Vừa đi học, vừa đi làm để trang trải cuộc sống sinh viên nơi đô thị, việc đến với các lớp học ngoại ngữ với chị Linh gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nhưng trong thời đại hội nhập quốc tế, tiếng Anh lại là một chiếc “chìa khóa” không thể thiếu. Chị biết rằng, nếu không nắm bắt ngoại ngữ, cánh cửa đến với học bổng, cơ hội nghề nghiệp hay đơn giản là tiếp cận tri thức thế giới,... sẽ khép lại phần nào.
Chính vì vậy, chị Linh chọn một con đường khác là tự học tiếng Anh qua các ứng dụng số, trong đó, chị chọn Duolingo, một nền tảng với giao diện thân thiện, dễ sử dụng. “Mỗi ngày, tôi dành hơn 1 giờ vào cuối ngày để học trên Duolingo. Đôi khi đang đi xe buýt, chờ bạn, hay giữa giờ nghỉ trưa, tôi cũng tranh thủ học vài bài nhỏ” - chị Linh chia sẻ.
Không lớp học, không giáo trình dày cộm, không bảng đen phấn trắng, chỉ cần một chiếc điện thoại và kết nối Internet, chị Linh đang bền bỉ tích lũy từng từ vựng, từng cấu trúc câu mỗi ngày.
Những người trẻ như Đinh Ngọc Châu hay Hoàng Hải Linh đang cho thấy một tinh thần học hỏi rất đặc trưng của thế hệ Gen Z là chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong tiếp cận tri thức số. Họ không chờ tri thức đến với mình qua con đường truyền thống mà tự mở lối, tìm cách học phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, miễn là có thể “chạm” vào tri thức./.