Cần dứt điểm tranh chấp đất lâm nghiệp

Theo Kết luận số 1452/KL-TTCP ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có 4.104,64 ha có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm. Các sở, ngành, UBND các huyện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, nhờ đó đến nay, các công ty lâm nghiệp đã giải quyết, thu hồi được 3.226,83 ha, đạt 78,6% tổng diện tích bị lấn chiếm.

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập chăm sóc rừng

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập chăm sóc rừng

Theo đó, 4 công ty lâm nghiệp có đất bị lấn chiếm là: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc 1.638,23 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập 1.598,66 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình 865,75 ha và Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc 2 ha.

Nhiều diện tích đất bị lấn chiếm

Theo các cơ quan chức năng tỉnh, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các công ty lâm nghiệp với hộ gia đình, cá nhân diễn ra từ lâu với nhiều nguyên nhân khác nhau. Diện tích tranh chấp, lấn chiếm khó xác định vị trí cụ thể, nằm xen kẹp, rải rác trong tổng diện tích các công ty được thuê. Cùng đó, các lâm trường trước đây được giao đất với diện tích lớn, việc bàn giao đất lâm nghiệp cơ bản mới chỉ tiến hành trên hồ sơ giấy tờ, chưa được đo đạc cắm mốc ranh giới cụ thể rõ ràng trên thực địa, dẫn đến việc chồng chéo, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng; các công ty lâm nghiệp chưa chủ động trong việc rà soát phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch giải quyết tranh chấp, lấn chiếm, chưa chủ động điều chỉnh lại phương án sử dụng đất...

Sau khi rà soát sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và chính sách đối với các công ty nông, lâm nghiệp và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các công ty mới tập trung xây dựng kế hoạch, thành lập tổ kiểm tra, rà soát diện tích tranh chấp, lấn chiếm, hợp đồng giao khoán... Tuy nhiên, do nhân lực còn mỏng, việc rà soát còn tiến hành chậm.

Theo thống kê, tính đến nay, ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện và các công ty lâm nghiệp đã giải quyết thu hồi được 3.226,83/4.104,64 ha, đạt 78,6% tổng diện tích bị lấn chiếm.

Ông Nông Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn xã có trên 443 ha đất tranh chấp giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc với 440 hộ dân trên địa bàn. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp chủ yếu là do việc quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp trước đây còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, không thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng đất của các hộ dân nhận giao khoán để có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh hoặc chưa kịp thời đề xuất với chính quyền cơ sở để phối hợp giải quyết theo quy định. Cùng đó, trong quá trình giao đất trồng rừng trước đây có sự chồng lấn giữa doanh nghiệp, các tổ chức, ban quản lý rừng và người dân dẫn tới tranh chấp đất đai như hiện nay.

Ngoài ra, diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm còn nhiều trường hợp các hộ tự ý cải tạo trồng cây lâu năm, cây hằng năm trên phần đất của công ty lâm nghiệp (giáp ruộng, vườn của hộ dân). Điều này dẫn đến xảy ra tranh chấp đất có nguồn gốc nông lâm trường.

Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình cho biết: Qua rà soát, công ty có 865,75 ha diện tích đất được Nhà nước giao quản lý xảy ra tranh chấp với các hộ dân. Nhiều hộ sử dụng đất không đúng theo ranh giới đã ký kết hợp đồng với công ty, có tình trạng hộ này sử dụng, trồng cây trên đất công ty đã ký hợp đồng với hộ khác. Thêm nữa, người dân ngày càng có nhu cầu lớn về đất trồng rừng. Vì vậy, dẫn tới nhiều hộ dân lấn chiếm đất lâm trường, xảy ra tình trạng tranh chấp đất như hiện nay.

Cùng đó, giai đoạn 2008 – 2012, thực hiện dự án thành lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở tỷ lệ 1:10.000 theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 2/8/2007 của UBND tỉnh, bản đồ địa chính đất lâm nghiệp chủ yếu được đo vẽ ngoài thực địa bằng phương pháp xét đoán tương quan có độ chính xác không cao, còn nhiều sai sót; còn xảy ra trường hợp giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho hộ gia đình, cá nhân trùng vào phần đất công ty lâm nghiệp được giao, dẫn đến xảy ra tranh chấp đất đai.

Ngoài ra, hồ sơ giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất trồng rừng "sổ xanh" được thực hiện năm 1993 do ngành kiểm lâm tham mưu triển khai trên hệ thống bản đồ giao đất lâm nghiệp (đường bình độ, ranh giới tiểu khu, sông suối, ranh giới lô, thửa đất…) được vẽ bằng phương pháp thủ công trên nền giấy, không có tọa độ cụ thể, chưa có dữ liệu dạng số, độ chính xác không cao, dẫn đến việc giao đất cho các hộ với việc giao đất cho các lâm trường trước đây còn chồng lấn….

Tích cực giải quyết tranh chấp

Để xử lý dứt điểm tranh chấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp, từ năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ban Chỉ đạo 1546) và thành lập tổ chuyên viên giúp việc ban chỉ đạo; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, tình hình giao khoán, năng lực sản xuất kinh doanh của các công ty.

UBND các huyện cũng xác định nhiệm vụ giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất lâm trường là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đình Lập cho biết: Trên địa bàn huyện có 1.598,66 ha diện tích đất nông, lâm trường xảy ra tranh chấp với người dân. Để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, phòng đã tham mưu UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Theo đó, UBND huyện Đình Lập đã tổ chức hội nghị đôn đốc chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn thực hiện; tổ chức đối thoại, làm việc với các hộ dân để tuyên truyền, thống nhất phương án xử lý. Lũy kế đến nay phòng chuyên môn huyện, UBND cấp xã, công ty lâm nghiệp đã tổ chức họp triển khai tại 28 thôn, khu phố thuộc 5 xã, thị trấn; tổ chức 436 lượt kiểm tra thực địa; tuyên truyền trực tiếp cho trên 600 lượt hộ dân. Đến nay, toàn huyện đã giải quyết dứt điểm tranh chấp được 1.216,22 ha với 516 hộ dân, đạt 76,1% tổng diện tích bị lấn chiếm.

Cũng như huyện Đình Lập, huyện Hữu Lũng có 1.638,23 ha diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường xảy ra tranh chấp với người dân. UBND huyện đã ban hành kế hoạch, họp định kỳ kiểm điểm kết quả thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời giải quyết, xử lý các trường hợp vướng mắc; UBND các xã thành lập tổ công tác trực tiếp tuyên truyền người dân.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc cho biết: Công ty đã bố trí nhân lực, phối hợp với các tổ công tác các xã làm việc với từng hộ dân; tham mưu, đề xuất với huyện, các cơ quan và xã để giải quyết những trường hợp khó, phức tạp; phối hợp và thống nhất với xã về mức thu sản phẩm khoán và hình thức ký hợp đồng đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế từng lô/từng hộ và đúng quy định; tổ chức đo lại diện tích theo yêu cầu của chủ hộ... Công ty đã phối hợp tổ chức 36 hội nghị đối thoại với người dân; trực tiếp đến từng nhà tuyên truyền cho 1.700 lượt hộ dân. Cùng đó, công ty cũng khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng 8 vụ, đã giải quyết xong 5 vụ, thu hồi được khoảng 11 ha. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét, giải quyết 3 vụ (diện tích khoảng 8,4 ha). Kết quả đến nay, công ty đã phối hợp giải quyết dứt điểm tranh chấp được 1.230,43 ha. Thời gian tới, công ty tiếp tục phối hợp giải quyết, thu hồi 407,8 ha diện tích đất tranh chấp còn lại để phục vụ sản xuất.

Theo thống kê, tính đến nay, ngành chức năng tỉnh, UBND các huyện và các công ty lâm nghiệp đã giải quyết thu hồi được 3.226,83/4.104,64 ha, đạt 78,6% tổng diện tích bị lấn chiếm.

Có thể thấy, công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản đã được triển khai theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục chủ trì, tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung tại văn bản số 85/UBND-KT ngày 17/1/2024 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm tranh chấp đất nông, lâm trường; tập trung rà soát, xác định rõ ranh giới đất theo dự án lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc ranh giới, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính; đẩy nhanh cấp GCNQSDĐ cho các công ty lâm nghiệp… Từ đó, phát huy tối đa nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Nam Khánh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quyet-liet-giai-quyet-tranh-chap-dat-nong-lam-truong-5047196.html
Zalo