Thu hồi đất thực hiện Thành phố Giao Lưu, nhiều hộ dân lo phải ra đường
Không còn nơi ở nào khác, nhiều hộ dân ngõ cuối phố Mai Dịch lo lắng phải ra đường khi họ bị thu hồi đất thực hiện dự án Thành phố Giao Lưu (Cầu Giấy, Hà Nội).
Áp giá phương án hỗ trợ đã có hơn 20 năm
Nhà nước đã có chủ trương, khi thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, nhiều hộ dân cuối phố Mai Dịch đang lo lắng phải ra đường khi bị thu hồi nơi ở duy nhất, phục vụ dự án Thành phố Giao Lưu, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư.

Căn nhà 2 tầng của bà Hoàng Hải nhận biên bản vi phạm đất đai sau hơn 10 năm xây dựng (Ảnh: NH).
Ông Nguyễn Minh Chiến, số nhà 182, ngõ cuối phố Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ông là người dân gốc Mai Dịch (huyện Nam Từ Liêm cũ).
Năm 1980, sau khi xuất ngũ, ông về khai hoang đất làm nơi ở và sản xuất. Khi đó, nơi đây (ngõ cuối phố Mai Dịch) là cánh đồng hoang. Sau khi phát hoang, ông xây dựng nhà và trang trại nuôi lợn (diện tích khoảng 3.000m2).
Theo bảng tổng hợp phương án bồi thường thiệt hại và hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu quận Cầu Giấy ban hành năm 2004, có 98 trường hợp được nhận hỗ trợ. Khu vực đất thu hồi đều thuộc xứ Đồng Xa. Số tiền hỗ trợ từ 75.000 - 89.000.000 tùy trường hợp. Tổng số tiền bồi thường 22 tỷ đồng trên tổng diện tích 107 nghìn m2.
Nhiều ý kiến cho rằng, áp dụng giá bồi thường này cho các hộ dân trong bối cảnh hiện nay là quá thấp, trong khi dự án xung quanh đang bán giá khoảng 300 triệu đồng/m2.
Sau thời gian chăn nuôi đổ bể do thiếu kinh nghiệm, vốn liếng, cùng với chủ trương thành phố, không cho làm trang trại trong khu đô thị vì địa phận Mai Dịch chuyển từ huyện Từ Liêm chuyển sang quận Cầu Giấy, nên năm 2004 đến nay, ông dừng nuôi lợn, chuyển sang xây dựng phòng trọ cho thuê.
Gần đây, khi tham gia các cuộc họp với UBND phường Mai Dịch về việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu, ông Chiến rất bức xúc khi biết, gia đình ông bị áp dụng phương án bồi thường thiệt hại và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu phê duyệt từ năm 2004, tính đến nay đã 21 năm, tổng số tiền ông được hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng.
Ông Chiến khẳng định, ông không còn nơi ở nào khác. "Với số tiền đền bù, hỗ trợ khoảng 900 triệu đồng, tôi không mua được nơi nào khác, chỉ có ra đường ở".
Cùng bị áp phương án bồi thường thiệt hại và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Thành phố Giao Lưu phê duyệt từ năm 2004, bà Hoàng Hải (TDP 5, phường Mai Dịch) cho biết, bà về chăn nuôi lợn và ở tại ngõ cuối phố Mai Dịch từ năm 1998, khi còn là nhân viên Công ty TNHH Nông Sinh.
Khu vực này khi đó là ruộng phá hoang. Năm 2010, bà làm nhà 2 tầng trên nền chuồng lợn cũ, diện tích khoảng 1.500m2. Hiện tại, đang có 3 thế hệ sinh sống. Suốt từ đó đến nay, bà không nhận được chỉ đạo, yêu cầu ngăn cản xây dựng nào từ cơ quan chức năng.
Lạ thay, sau hơn 15 năm làm nhà, ngày 16/5/2025, gia đình bà nhận được biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do UBND phường Mai Dịch lập.
Bà Hải cho rằng, việc lập biên bản và xử lý vi phạm trên của UBND phường Mai Dịch sẽ đẩy gia đình bà ra đường khi không còn nơi ở nào khác, nhường chỗ để thực hiện dự án Thành phố Giao Lưu một cách vô lý.
Cần đảm bảo chỗ ở cho người dân
Báo Xây dựng cũng nhận được đơn chung của 12 hộ dân ngõ cuối phố Mai Dịch phản ánh nội dung trên. Trong đơn có nêu, họ không được khoản hỗ trợ ổn định đời sống cho người sản xuất, không được khoản hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động (theo QĐ20/1998) và công tác đền bù không nhắc tới việc bồi thường tài sản trên đất cũng như tái định cư cho những hộ gia đình hiện đã cư trú tại đây nhiều năm.

Nhà cửa nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Thành phố Giao Lưu tan hoang (Ảnh: NH).
Trao đổi với Báo Xây dựng về nguồn gốc đất của 12 hộ dân đang có đơn thư phản ánh, ông Vũ Văn Thắng, cán bộ địa chính UBND phường Mai Dịch cho biết, mỗi trường hợp là khác nhau.
Theo ông Thắng, nhà ông Chiến đã thuê của Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mai Dịch để canh tác, không phải sử dụng để ở. Trong quá trình sử dụng, ông Chiến chuyển đổi và chuyển nhượng cho một số hộ khác.
Trong khi đó, ông Thắng căn cứ Quyết định 4164 của TP Hà Nội năm 1999 về việc giao hồ sơ đất công, đất chưa sử dụng cho UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để quản lý Nhà nước theo địa giới hành chính để khẳng định phần đất nhà bà Hải là đất công do UBND phường Mai Dịch quản lý.
Ông Thắng cho biết, hiện nay bà Hải chưa phối hợp, cung cấp được giấy tờ liên quan để khẳng định đất do bà làm chủ sở hữu. Do đó, bà Hải cần phối hợp với chính quyền để cung cấp hồ sơ, tài liệu.
Trước câu hỏi của PV về việc những hộ dân này chỉ có nơi ở hiện tại là duy nhất, chính quyền có phương án nào tái định cư, ổn định đời sống? Ông Thắng cho rằng, quyền lợi công dân thì vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, phường với quận khó trả lời.
Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đất Đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng khi Nhà nước thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng cần xác minh kỹ lưỡng nguồn gốc đất để đảm bảo quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật ở từng thời điểm. Không để người dân ra đường nếu người dân không có chỗ ở nào khác. Chính quyền địa phương khi thu hồi đất phải giao đất có thu tiền, bố trí chỗ ở cho người dân theo Hiến pháp.
Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của các hộ dân này. Trong đó, văn bản dẫn chiếu nhiều quy định để khẳng định việc khai hoang những năm 1980 là chủ trương của Nhà nước. Cụ thể QĐ 318 (1979) của Hội đồng Chính phủ khuyến khích tận dụng ruộng đất nông nghiệp. Văn bản nêu cụ thể: "Hiện nay (1979), địa phương nào cũng còn tồn tại một số ruộng đất, hồ ao còn bỏ hoang, hóa. Các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch kiểm tra và có biện pháp cụ thể để đôn đốc và giúp cơ sở khai hoang, phục hóa số diện tích này, không được để ruộng, đất bỏ hoang...".
Kết thúc văn bản, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, quy định tại Luật Đất đai 2024, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang, không có tranh chấp thì Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hạn mức giao đất nông nghiệp do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định...