Cần có giải pháp vận hành công trình cấp nước trên 400 tỷ đồng ở Quản Bạ
Dự án Hồ chứa nước điều tiết thủy lợi và hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 3 xã Cán Tỷ, Đông Hà và Lùng Tám của huyện Quản Bạ (Công trình Hồ 3 xã) có tổng mức đầu tư sau phê duyệt quyết toán gần 410 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2022. Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay người dân chưa từng được sử dụng nước từ công trình này.

Hộ chứa điều tiết nước sinh hoạt nước đã chạm đáy
Mục tiêu cấp nước cho 1.700 hộ và tưới 380 ha đất nông nghiệp
Công trình Hồ 3 xã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư năm 2009, phê duyệt Quyết định đầu tư năm 2013, tổng mức đầu tư sau phê duyệt quyết toán trên 409,9 tỷ đồng. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình nông nghiệp và PTNT (cũ) làm chủ đầu tư. Đây là công trình trọng điểm cấp bách có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH, cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đảm bảo an ninh, đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc; là công trình “hồ treo” đa chức năng phục vụ du lịch, cảnh quan vùng Cao nguyên đá và cung cấp nước tưới cho 380 ha lúa, hoa màu và cấp nước sinh hoạt cho 1.700 hộ dân, từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực, tiến tới phát triển bền vững.
Công trình có thiết kế gồm 2 hồ chứa nước điều tiết tổng dung tích 40.000m3 (1 hồ 10.000 m3 điều tiết cấp nước sinh hoạt, 1 hồ 30.000m3 điều tiết nước sản xuất); tuyến kênh làm mới trên 9.500m, nâng cấp tuyến kênh cũ trên 2.533 m điều tiết nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; tuyến ống cấp nước sinh hoạt dài trên 40.000m. Ngoài ra công trình còn có các hạng mục như: Đập đầu mối, cống lấy nước, trạm lọc, đường nội bộ, nhà quản lý vận hành và xây mới 192 bể chứa nước (dung tích 5 – 10m3) ở các khu dân cư…
Dự án này được Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và đánh giá cao sự cấp thiết cần xây dựng. Đồng thời nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân 3 xã Đông Hà, Lùng Tám, Cán Tỷ.

Hồ chứa điều tiết nước tưới cho đất nông nghiệp chung tình trạng
Sau 3 năm nghiệm thu, bàn giao chưa thể vận hành, cấp nước
Sau khi công trình hoàn thành, ngày 19.8.2022, Ban Quản lý dự án ĐTXD công trình nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị liên qua đã nghiệm thu, bàn giao công trình cho UBND huyện Quản Bạ đưa vào vận hành, khai thác. Ông Nguyễn Song Tứ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT cũ – Chủ đầu tư dự án) cho biết: “Trước khi bàn giao công trình cho huyện, Ban và đơn vị thi công đã thử nghiệm nhiều lần, đảm bảo các hạng mục, hệ thống đúng thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật. Các đơn vị liên quan đều thống nhất đưa công trình vào quản lý, khai thác sử dụng kể từ ngày nghiệm thu; nhà thầu thi công xây lắp có trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định; các đơn vị liên quan không có yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện bổ sung hay có ý kiến khác về Dự án. Ngoài ra, đầu năm 2024, Ban đã cùng với đơn vị thi công kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng hệ thống cấp nước của công trình và tư vấn, hỗ trợ huyện Quản Bạ phương án quản lý, khai thác, vận hành”.

Đập thu nước đầu nguồn không có nước về
Tuy nhiên, người dân 3 xã Đông Hà, Cán Tỷ, Lùng Tám phản ánh: Từ khi công trình hoàn thành đến nay đã 3 năm nhưng các hộ dân chưa từng được sử dụng nước. Chị Chu Thị Chuyên cán bộ địa chính xã Lùng Tám khẳng định: Tôi trực tiếp tham gia giám sát vận hành thử nghiệm hoạt động cấp nước của Công trình Hồ 3 xã. Cả 3 lần vận hành thử, nước đều về đến các bể chứa ở khu dân cư. Nhưng sau khi bàn giao khai thác lại không thấy nước về. Mặc dù nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tưới tiêu, nhất là vào mùa khô của người dân là rất cấp thiết, nhưng từ khi hoàn thành đến nay chưa hộ dân nào được sử dụng nước từ công trình này.
Bà Hạng Thị Mỷ, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám cho biết: Nhà tôi ở sát bể nước do dự án xây dựng nhưng chưa từng được sử dụng nước. Gia đình đều phải kéo nước nguồn từ thôn Tùng Nùn về dùng. Nguồn nước không có nhiều và tự chảy, nhiều hộ kéo chung nên có hôm đêm phải canh hứng nước khi nước về nên phải dùng rất tiết kiệm, cả tuần mới dám tắm, giặt một lần. Mong các cấp, các ngành sớm vận hành dự án để bà con chúng tôi bớt khổ vì… thiếu nước.

Hệ thống kênh tưới tiêu cạn khô
Không chỉ ở Lùng Tám, anh Tạ Văn Dũng, thôn Tráng Kìm, xã Đông Hà chia sẻ: Gia đình tôi nằm ngay dưới chân công trình nhưng hiện tại vẫn phải sử dụng nước giếng khoan cùng các hộ dân trong khu dân cư. Người dân thôn Tráng Kìm có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phục vụ kinh doanh rất lớn nhưng hầu hết bà con tự kéo nước lần từ thượng nguồn về hoặc khoan giếng để sử dụng mà chưa được sử dụng nước của công trình.
Tình trạng Công trình Hồ 3 xã đã hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác nhưng người dân chưa được sử dụng nước. Bà con nhân dân các xã vùng dự án đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND cấp xã, cấp huyện nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Chậm đưa vào vận hành, nước đầu nguồn bị chiếm dụng
Theo tìm hiểu, dù được bàn giao từ năm 2022 nhưng không hiểu sao sau 2 năm, ngày 29.5.2024, UBND huyện Quản Bạ mới ban hành Quyết định số 1619 về việc giao quản lý, vận hành Công trình Hồ 3 xã cho Trung tâm dịch vụ công cộng môi trường và cấp thoát nước của huyện khai thác, vận hành. Sau 1 năm nhận bàn giao, Trung tâm cũng chưa thể vận hành công trình và người dân vẫn không được sử dụng nước!

Bà Hạng Thị Mỷ, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám sống ngay cạnh bể chứa nước nhưng chưa từng được sử dụng nước
Trả lời câu hỏi, vì sao công trình này chưa được vận hành, khai thác? Trung tâm dịch vụ công cộng môi trường và cấp thoát nước Quản Bạ giải thích: Do không có nước để vận hành. Nhất là vào những tháng mùa khô này. Nguồn nước đầu nguồn cạn kiệt, không có nước chảy về đập đầu mối nên không thể cấp về các hồ điều tiết.
Trực tiếp kiểm tra khu vực đập đầu mối và 2 hồ chứa điều tiết nước của Công trình Hồ 3 xã những ngày giữa tháng 3 vừa qua, chúng tôi ghi nhận không có nổi một giọt nước chảy về, mực nước trong các hồ chứa điều tiết nước đều ở mức nước chết, chạm đáy! Trong khi theo kết quả khảo sát của đơn vị chuyên môn khi lập dự án đầu tư (2012), lưu lượng nước thời điểm khô hạn nhất của nguồn nước phục vụ dự án đạt 0,152m3/s, tương đương trên 13.132m3/ngày đêm. Thực tế, hiện nay, khi chúng tôi đi ngược lên phía thượng nguồn khảo sát, nguồn nước vẫn duy trì chảy thường xuyên, lưu lượng lớn nhưng đã bị ngăn dòng, thu nước về các đường ống kéo về các hộ gia đình, đơn vị kinh doanh sử dụng riêng. Có hàng trăm các đường ống thu nước lớn, nhỏ kích thước đủ loại từ to đến bé cắm chằng chịt ở các mạch nước nguồn.

Các bể chứa nước ở khu dân cư không có nổi một giọt nước
Biên bản làm việc giữa huyện Quản Bạ và chủ đầu tư công trình tháng 1.2024, qua kiểm tra hiện trạng của các bên liên quan cũng khẳng định: “Hiện trạng nguồn nước cấp cho công trình đã bị các hộ dân và doanh nghiệp đắp chặn phía thượng lưu đập dẫn vào đường ống để sử dụng nhu cầu riêng, làm cho nước về đập bị hạn chế nhiều, cần thiết phải có sự quản lý, điều tiết hiệu quả”. Có lẽ đây mới thực sự là nguyên nhân chính dẫn đến nước nguồn không thể chảy về đập thu nước đầu mối. Nhưng vì sao huyện Quản Bạ không vào cuộc giải quyết vấn đề này?
Trả lời cho thắc mắc trên, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành thông tin: Việc này huyện đã nắm được và họp bàn với người dân để tìm hướng giải quyết nhưng chưa có phương án khả thi, vì liên quan tới quyền lợi của các hộ dân đang kéo nước từ nguồn nước này. Huyện đang tìm giải pháp xử lý việc tranh chấp nguồn nước ở khu vực này vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa khai thác công trình hiệu quả nhất.

Nhiều ống dẫn nước của người dân đang chiếm dụng nước đầu nguồn
Huyện Quản Bạ đã nắm được nguyên nhân nhưng trong 3 năm vẫn chưa thể giải quyết tình trạng chiếm dụng nguồn nước. Sắp tới khi bỏ chính quyền cấp huyện, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, cấp nào sẽ giải quyết vấn đề trên? Công trình này khi nào mới được khai thác, vận hành? Thiết nghĩ nước là tài nguyên quốc gia, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Tài nguyên nước 2023 với đầy đủ căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã) quản lý, khai thác theo quy định. Huyện Quản Bạ có đủ thẩm quyền và chức năng để thực hiện. Không thể để một số cá nhân vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Trước tình trạng trên, đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện Quản Bạ vào cuộc, kiểm tra, đánh giá và giải quyết tình trạng tranh chấp nước đầu nguồn dự án Công trình Hồ 3 xã, đồng thời có phương án lâu dài để vận hành, khai thác công trình hiệu quả, đúng quy định, nhất là khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.