Tăng tính chủ động, linh hoạt trong quy hoạch

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch có nhiều quy định 'thông thoáng' hơn nhằm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tăng sự chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện. Nhiều quy định cũng được cơ quan soạn thảo chủ động đề xuất tại Dự thảo nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn quy hoạch hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên thảo luận tổ chiều 10/5 của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng

Nhiều quy định "thông thoáng" hơn

Thảo luận tại Tổ 8 của Quốc hội chiều 10/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ, làm rõ hơn các ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết, theo yêu cầu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tất cả những vấn đề về thể chế liên quan đến các vấn đề cấp bách cần phải được sửa đổi ngay. Với tinh thần đó, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này, Bộ Tài chính tập trung sửa đổi với 3 lý do.

Thứ nhất, đảm bảo điều chỉnh ngay quy hoạch của tất cả các cấp sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực. Theo Bộ trưởng, tất cả các địa phương sẽ điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi có quyết định sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/7. Do đó, Luật Quy hoạch phải sửa ngay lập tức để đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, vấn đề liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành như Tổng Bí thư đã yêu cầu "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thứ ba, trong quá trình triển khai quy hoạch vừa qua, thực tiễn là phát sinh một số vấn đề cấp thiết phải sửa ngay.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho các địa phương được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu sửa đổi lần này là phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Điển hình như: Phân quyền của Quốc hội cho Chính phủ đối với phân vùng, lập quy hoạch vùng, phân quyền quyết định không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ để tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh. Việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức là họp Hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.

Việc bổ sung quy hoạch được phân cấp về Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định để tạo cơ chế cho Chủ nhiệm Hội đồng thẩm định có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp thẩm định. Từ đó, tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong quá trình thẩm định. Dự thảo cũng phân cấp cho Bộ trưởng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

"Như vậy, các quy định đã thông thoáng hơn rất nhiều so với hiện hành", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề cập đến nội dung quy hoạch. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng là nội dung quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh chỉ mang tính chất khung, định hướng. Nội dung chi tiết sẽ được thể hiện tại các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tránh chồng chéo. Quy định cụ thể quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh sẽ quy định tại nghị định để tạo sự linh hoạt trong triển khai và đảm bảo tính ổn định của văn bản luật.

Bộ trưởng cũng làm rõ quy định liên quan đến lập đồng thời các quy hoạch và xử lý những mâu thuẫn của các quy hoạch. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và đẩy mạnh triển khai các dự án, tạo động lực phát triển cho các địa phương mà không phải chờ cấp trên quyết định và phê duyệt, dự thảo Luật bổ sung quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh được phép lập đồng thời.

Nhấn mạnh nội dung này rất quan trọng, Bộ trưởng chia sẻ, trước đây khi Luật Quy hoạch được phê duyệt và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 triển khai thực hiện rất vướng. Luật quy định phải quy hoạch cấp trên sau đó mới đến quy hoạch cấp dưới dẫn đến ách tắc trong thực tiễn. Sau đó, Quốc hội phải ban hành Nghị quyết cho phép lập quy hoạch đồng thời, khi quy hoạch cấp trên chưa thể điều chỉnh ngay thì các quy hoạch cấp dưới vẫn triển khai bình thường. Do đó, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Tài chính đã chủ động đưa quy định này vào để không xảy ra vướng mắc như trước đây.

Liên quan đến quy định xử lý mâu thuẫn chồng lấn giữa các quy hoạch được đại biểu nêu, Bộ trưởng thông tin, nội dung này đã được đặt ra trong Dự thảo lần này. Ngay cả vấn đề khó nhất là quy hoạch cùng cấp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc theo hướng trường hợp có mâu thuẫn, cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch phải điều chỉnh. "Chính phủ sẽ có nghị định để hướng dẫn nội dung này, trong đó sẽ có những nguyên tắc, tiêu chí để xác định", Bộ trưởng thông tin thêm.

Trước băn khoẳn của đại biểu về phân vùng, Bộ trưởng cho hay, phân vùng sẽ thay đổi. Hiện nay, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về thực hiện phân vùng kinh tế - xã hội lại phù hợp với địa giới hành chính mới.

Làm rõ hơn về quy định lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, theo Bộ trưởng, hiện nay dự án Luật chỉ quy định các trường hợp không phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nói cách khác, đây là những điều chỉnh nhỏ, đơn giản và không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch. Còn lại, điều chỉnh quy hoạch lơn, lập mới vẫn phải thực hiện báo cáo đánh giá.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-tinh-chu-dong-linh-hoat-trong-quy-hoach.html
Zalo