Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ phân quyền, phân cấp, ủy quyền
Thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội nêu, phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ.
Xu hướng tất yếu
Sáng 14/2/2025, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
![Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51475304/a2d034280666ef38b677.jpg)
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Khải - đoàn Hà Nam phân tích khả năng chồng chéo khi áp dụng phân quyền, phân cấp, ủy quyền vào thực tế. Từ đó, đề xuất các điều chỉnh bổ sung để đảm bảo bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương: Một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.
Bên cạnh đó, việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Một số tỉnh/thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác. Ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Theo đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh nội dung của Điều 7 về phân quyền, đó là bổ sung nguyên tắc “phân quyền có điều kiện”: Chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền; tăng cường giám sát của Trung ương: Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Đối với vấn đề phân cấp, đại biểu Trần Văn Khải nêu, việc thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp: Nhiều nhiệm vụ có thể vừa do Bộ quản lý, vừa do địa phương thực hiện (ví dụ: quản lý đô thị, đầu tư công, hạ tầng giao thông). Nếu không có cơ chế đánh giá hiệu quả phân cấp, có thể dẫn đến việc giao quyền nhưng không đủ điều kiện thực hiện, gây lãng phí và trì trệ.
Song phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Ví dụ, một số địa phương có thể thiết lập chính sách riêng về đầu tư, thương mại, hành chính công, gây khó khăn trong kiểm soát. Nếu thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm và chậm trễ trong việc triển khai các dự án lớn.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh nội dung của Điều 8 về phân cấp: Bổ sung cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”: Quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc “phân cấp linh hoạt”: Đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.
Về vấn đề ủy quyền, đại biểu đoàn Hà Nam lưu ý, ủy quyền thiếu kiểm soát có thể khiến trách nhiệm bị đùn đẩy giữa các cấp chính quyền: Khi một nhiệm vụ được ủy quyền, nhưng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, có thể xảy ra tình trạng cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả; một số nhiệm vụ quan trọng (phê duyệt dự án đầu tư công, cấp phép xây dựng…) nếu ủy quyền mà không kiểm soát có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Ủy quyền cũng có thể tạo ra các “lãnh địa hành chính”: Khi một số địa phương được ủy quyền đặc biệt, nhưng không có cơ chế đánh giá năng lực định kỳ, có thể dẫn đến việc họ tự quyết định mà không theo định hướng chung của quốc gia. Một số địa phương có thể từ chối thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, gây rối loạn trong thực thi chính sách.
Do đó, đại biểu đề xuất điều chỉnh nội dung của Điều 9 về ủy quyền đó là, giới hạn phạm vi ủy quyền: Chỉ ủy quyền các nhiệm vụ hành chính thông thường, không ủy quyền các nhiệm vụ quyết định chính sách vĩ mô; các quyết định ủy quyền phải được kiểm soát bởi Ủy ban Giám sát Quốc gia.
Bên cạnh đó, bổ sung trách nhiệm giải trình: Cơ quan được ủy quyền phải báo cáo định kỳ với cơ quan ủy quyền; quy định trách nhiệm cá nhân nếu nhiệm vụ được ủy quyền bị thực hiện sai.
"Phân quyền, phân cấp, ủy quyền là xu hướng tất yếu nhưng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực. Nếu không điều chỉnh hợp lý, sẽ gây trì trệ, thiếu đồng bộ và giảm hiệu quả quản lý nhà nước" - ông Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Phải kiểm tra, giám sát
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết và phù hợp với chính quyền địa phương, áp dụng thực hiện trong việc tinh giản, tinh gọn và tổ chức bộ máy, đảm bảo thời gian tới cơ quan hành pháp Nhà nước hoạt động không vướng.
![Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51475304/67b9fd41cf0f26517f1e.jpg)
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Theo đại biểu, về nguyên tắc phân định thẩm quyền hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung theo quy định của Hiến pháp và những vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.
Ở đây cũng nói nguyên tắc phân quyền là “rạch ròi”, cơ quan lập pháp làm gì? cơ quan hành pháp làm gì? cơ quan tư pháp làm gì? Phân định rạch ròi nhưng thống nhất dưới sự lãnh đạo của cấp có thẩm quyền và có sự thống nhất với nhau, đồng thời, phân chia rạch ròi cho mỗi cấp, mỗi ngành để mỗi cơ quan dễ làm việc.
Theo đại biểu, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trách nhiệm của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao, đảm bảo nguyên tắc: Thủ tướng ủy quyền cho địa phương, ủy quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành thì không chen vào công việc nội bộ của bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp đó và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng các nội dung được ủy quyền.
Đại biểu cũng đề nghị trong phân cấp, phân quyền phải có một cơ chế cụ thể, nếu không đưa vào luật cũng phải đưa vào quy định để người được phân quyền, ủy quyền và giao thẩm quyền đó họ dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc đó.
“Luật đã quy định khung, thì nghị định cũng phải rành mạch, rõ ràng trong vấn đề này, để dễ cho khâu thực hiện cũng như người có quyền được phân quyền, ủy quyền thực hiện tốt” -đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị người phân quyền phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra người được phân quyền, ủy quyền, đặc biệt khi ủy quyền mà người thực hiện làm chưa đúng thì người phân quyền cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng với nhau để tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.
Theo đại biểu Quốc hội, bổ sung quy định giám sát, đánh giá năng lực địa phương và trách nhiệm giải trình là yếu tố quan trọng để tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực. Nếu không điều chỉnh hợp lý, sẽ gây trì trệ, thiếu đồng bộ và giảm hiệu quả quản lý nhà nước.