Cận cảnh sức mạnh quân sự Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân

Sức mạnh quân sự của Ấn Độ và Pakistan đang là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang leo thang mạnh, khi cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang mạnh sau vụ tấn công khủng bố tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát tháng trước, kéo theo hàng loạt động thái quân sự từ cả hai phía.

Rạng sáng 7-5 (giờ địa phương), Ấn Độ phóng tên lửa vào 9 mục tiêu tại Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Sau đó, một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết nước này đã trao đổi với một số nước để thông báo về các bước đi của New Delhi.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang nguy hiểm, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.

Xếp hạng quân sự

Theo xếp hạng của Global Firepower về sức mạnh quân sự trong 145 quốc gia, Ấn Độ đứng thứ 4 (sau Mỹ, Nga, Trung Quốc), trong khi Pakistan đứng thứ 12. Tạp chí Military Watch Magazine phân loại Ấn Độ thuộc nhóm cường quốc quân sự cấp 2, còn Pakistan thuộc nhóm cấp 3, phản ánh sự vượt trội của Ấn Độ về quy mô và năng lực quân sự.

 Tên lửa Agni-V của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Tên lửa Agni-V của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong năm tài khóa 2025-2026 đạt 6,8 lakh crore INR (tương đương khoảng 86,1 tỉ USD), chiếm 1,9% GDP. Trong khi đó, Pakistan dành khoảng 2,12 lakh crore PKR (tương đương 10,2 tỉ USD) cho năm tài khóa 2024-2025, chiếm 1,7% GDP.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Ấn Độ năm 2024 cao gấp 9 lần so với Pakistan, cho thấy sự chênh lệch đáng kể về tài chính giữa hai quốc gia, hãng Mint đưa tin.

Nhân lực quân đội

Ấn Độ sở hữu lực lượng quân đội hùng hậu với khoảng 662 triệu người trong độ tuổi huy động, trong đó có khoảng 5,1 triệu quân nhân, bao gồm 1,4 triệu quân nhân đang tại ngũ. Trong khi đó, Pakistan có khoảng 108 triệu người có khả năng huy động, với lực lượng quân đội khoảng 1,7 triệu người, trong đó 650.000 quân nhân đang tại ngũ.

Xét về lực lượng tác chiến, Ấn Độ có khoảng 4,24 triệu quân nhân, gần gấp 4 lần so với 964.000 quân nhân của Pakistan. Điều này thể hiện lợi thế đáng kể về nhân lực của Ấn Độ trong các tình huống xung đột, góp phần củng cố sức mạnh tổng thể của quân đội nước này.

Lực lượng thiết giáp và cơ giới

Ấn Độ sở hữu khoảng 4.200 xe tăng, bao gồm các mẫu tiên tiến như T-90 Bhishma và xe tăng nội địa Arjun. Pakistan có khoảng 2.620 xe tăng, ít hơn đáng kể.

Ngoài ra, Ấn Độ còn có hơn 148.000 phương tiện bọc thép, gấp khoảng 3 lần số lượng của Pakistan, cho thấy khả năng cơ động và hỏa lực trên mặt đất vượt trội.

Năng lực tên lửa và hạt nhân

Cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, đóng vai trò răn đe chiến lược, theo hãng tin Bloomberg.

Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu khoảng 170 đầu đạn hạt nhân, theo ước tính của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí. Cả hai nước đều tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch và đang chạy đua phát triển hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân, bao gồm các tên lửa có khả năng tấn công tầm xa sâu vào lãnh thổ đối phương.

Cả hai nước đều đang xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể phóng đầu đạn hạt nhân từ đất liền, trên biển và trên không. Ấn Độ có lợi thế về tầm bắn với tên lửa Agni-V có khả năng di động trên đường bộ, tầm bắn ước tính từ 5.000 km đến 8.000 km. Ấn Độ hiện đang nghiên cứu Agni-VI để đối phó với các mối đe dọa từ các đối thủ.

Trong khi đó, tên lửa có tầm bắn xa nhất của Pakistan là Shaheen-III với tầm bắn khoảng 2.750 km, song nước này đang nghiên cứu các công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa hơn (trên 3.000 km).

 Tên lửa Shaheen-III của Pakistan. Ảnh: AFP

Tên lửa Shaheen-III của Pakistan. Ảnh: AFP

Không quân và Hải quân

Không quân Ấn Độ được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất châu Á với 2.229 máy bay (1.672 máy bay sẵn sàng chiến đấu), bao gồm các tiêm kích hiện đại như Rafale, Su-30MKI và tiêm kích nội địa Tejas.

Không quân Pakistan nhỏ hơn, với 1.399 máy bay (797 máy bay sẵn sàng chiến đấu), nhưng vẫn có một số máy bay hiện đại như JF-17 Thunder và F-16.

Về hải quân, Ấn Độ có lực lượng hải quân mạnh mẽ với 293 tài sản quân sự, trong đó có 2 tàu sân bay, 13 tàu khu trục, 14 tàu hộ vệ, 18 tàu chiến nhỏ, 135 tàu tuần tra và 18 tàu ngầm.

Ngược lại, hải quân Pakistan quy mô nhỏ hơn với 121 tàu, gồm 9 tàu hộ vệ, 9 tàu chiến nhỏ, 69 tàu tuần tra, 8 tàu ngầm và 3 tàu quét mìn, không có tàu sân bay hay tàu khu trục.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/can-canh-suc-manh-quan-su-an-do-va-pakistan-hai-quoc-gia-so-huu-vu-khi-hat-nhan-post848346.html
Zalo