Nóng khó lường diễn biến Ấn Độ - Pakistan

Diễn biến không kích mới đây của Ấn Độ sang Pakistan đẩy căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân leo thang khó lường và nguy hiểm.

Ngày 7-5, Ấn Độ phóng tên lửa vào 9 địa điểm tại Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố tại Kashmir hồi tháng trước khiến hàng chục du khách thiệt mạng mà New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau.

Vụ tấn công là diễn biến mới nhất trong chuỗi động thái “ăn miếng trả miếng” gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan, nối dài căng thẳng hàng thập niên giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á vốn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Chiến dịch Sindoor

Rạng sáng 7-5 (giờ địa phương), Ấn Độ tuyên bố tấn công bằng tên lửa vào “cơ sở khủng bố” ở Pakistan trong chiến dịch mang tên Sindoor, theo đài CNN.

“Lực lượng vũ trang Ấn Độ đã phát động ‘Chiến dịch Sindoor’, nhắm vào các cơ sở hạ tầng khủng bố tại Pakistan và khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan chiếm giữ – nơi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Ấn Độ đã được lên kế hoạch và chỉ đạo” - theo tuyên bố của Ấn Độ.

“Hành động của chúng tôi có trọng tâm, có kiểm soát và không nhằm leo thang căng thẳng. Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm mục tiêu. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong việc lựa chọn mục tiêu và phương thức tấn công” - tuyên bố lưu ý.

Tên gọi Sindoor chỉ một loại bột màu đỏ (hay còn gọi là vermilion) mà nhiều phụ nữ theo đạo Hindu thường thoa lên trán sau khi kết hôn. Việc đặt tên chiến dịch theo loại bột này nhằm ám chỉ rằng cuộc tấn công khủng bố tại Kashmir hôm 22-4 đã khiến nhiều phụ nữ trở thành góa phụ.

Nhiều quan chức Ấn Độ đã đăng tải hình ảnh tên của chiến dịch Sindoor trên nền bột đỏ lên mạng xã hội X.

“Thế giới phải thể hiện sự không khoan nhượng với khủng bố” - Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar viết.

“Chiến thắng cho Ấn Độ” - Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh.

 Binh sĩ Pakistan phong tỏa một con đường ở TP Ahmedpur East (Pakistan) ngày 7-5 sau cuộc tấn công của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Binh sĩ Pakistan phong tỏa một con đường ở TP Ahmedpur East (Pakistan) ngày 7-5 sau cuộc tấn công của Ấn Độ. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Pakistan bác bỏ thông tin rằng các địa điểm bị tấn công là cơ sở khủng bố, khẳng định rằng cuộc tấn công của Ấn Độ chủ yếu gây hại cho dân thường, làm 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Islamabad cho biết đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) rằng Pakistan có quyền đáp trả thích đáng đối với “hành động xâm lược” của Ấn Độ.

Thủ tướng Pakistan - ông Shehbaz Sharif tuyên bố nước này có quyền đáp trả điều mà ông gọi là một “hành động chiến tranh”.

Pakistan sau đó tuyên bố bắn hạ loạt tiêm kích của Ấn Độ, gồm 3 tiêm kích Rafale, 1 chiếc MiG-29 và 1 chiếc SU-30. “Tất cả những hoạt động này đều được thực hiện như một biện pháp phòng thủ. Pakistan vẫn là một quốc gia rất có trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện mọi bước cần thiết để bảo vệ danh dự, toàn vẹn và chủ quyền của Pakistan, bằng mọi giá” - phát ngôn viên quân đội Pakistan, ông Ahmed Sharif Chaudhry, nói.

Ngoài những diễn biến trên, cảnh sát và các nhân chứng hiện trường nói với hãng tin Reuters rằng quân đội Ấn Độ và Pakistan cũng đã đấu pháo dữ dội và nổ súng hạng nặng trên khắp biên giới hai nước tại Kashmir.

Tin tức về cuộc không kích của Ấn Độ vào Pakistan đã tác động nhẹ đến thị trường chứng khoán. Chỉ số hợp đồng tương lai GIFT NIFTY của Ấn Độ ghi nhận ở mức 24.311 điểm, thấp hơn khoảng 0,3% so với mức đóng cửa ngày 6-5.

Lo ngại diễn biến tiếp theo

Theo giới quan sát, cuộc tấn công lần này của Ấn Độ vượt xa tất cả những phản ứng trước đây của New Delhi đối với các vụ tấn công ở Kashmir mà Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau. Trước đây, Ấn Độ từng không kích Pakistan vào năm 2019 sau khi 40 cảnh sát bán vũ trang của Ấn Độ thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Kashmir. Năm 2016, Ấn Độ cũng đáp trả mạnh mẽ sau cái chết của 18 binh sĩ trong một vụ tấn công khác.

“Xét về quy mô của cuộc tấn công lần này, vốn lớn hơn nhiều so với năm 2019, có thể dự đoán rằng Pakistan sẽ đáp trả mạnh mẽ” - ông Michael Kugelman, một chuyên gia phân tích về Nam Á, nhận định với Reuters.

“Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào bước đi tiếp theo của Ấn Độ. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc tấn công và một đòn đáp trả. Điều xảy ra tiếp theo sẽ là chỉ dấu rõ nhất cho thấy cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng đến mức nào” - ông Kugelman nói thêm.

 Lực lượng an ninh phong tỏa một con phố gần địa điểm xảy ra vụ tấn công ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý ngày 7-5. Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh phong tỏa một con phố gần địa điểm xảy ra vụ tấn công ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý ngày 7-5. Ảnh: AFP

Cuộc tấn công hôm 7-5 cũng là đòn đánh sâu nhất của Ấn Độ vào nước láng giềng kể từ cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971.

Chuyên gia Fahd Humayun tại ĐH Tufts (Mỹ) nhận định rằng tình hình hiện tại “rõ ràng là nghiêm trọng và khó lường. “Phản ứng trả đũa giờ đây gần như là điều không thể tránh khỏi” - vị chuyên gia nhận định.

Giới quan sát bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân trong thời gian tới. “Nếu chiến tranh leo thang, ngay cả khi chưa chạm đến ngưỡng hạt nhân, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với cả người dân Ấn Độ lẫn Pakistan, cũng như đối với toàn khu vực và thế giới” - ông Derek J. Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức RAND Corporation (Mỹ), cảnh báo.

Trong bối cảnh này, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi chiến dịch quân sự của Ấn Độ nhằm vào Pakistan là “một điều đáng tiếc” và bày tỏ hy vọng rằng chiến dịch này “sẽ kết thúc nhanh chóng”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết đang “theo dõi sát các diễn biến”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 7-5 đã điện đàm với các cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ và Pakistan, kêu gọi “hai bên duy trì các kênh liên lạc và tránh leo thang căng thẳng”.

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) kêu gọi Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng và tránh leo thang thêm” vì điều này có thể “đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế”, theo tuyên bố của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan.

Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế và bày tỏ sự đáng tiếc trước hành động của Ấn Độ. Bắc Kinh cũng kêu gọi cả hai nước tránh có những hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc trước các chiến dịch quân sự của Ấn Độ vượt qua Đường kiểm soát (LoC) - biên giới trên thực tế chia cắt vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir và biên giới quốc tế với Pakistan”, theo tuyên bố của LHQ.

Chính quyền Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ra lệnh sơ tán người dân

Chính quyền tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã ra lệnh sơ tán người dân khỏi các khu vực được đánh giá là nguy hiểm, đài CNN đưa tin ngày 7-5.

Thống đốc bang Jammu và Kashmir - ông Manoj Sinha đã chỉ đạo các địa phương di dời người dân từ “những khu vực dễ tổn thương đến nơi an toàn hơn”.

Văn phòng Thống đốc cho biết trên X rằng chính quyền sẽ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và thuốc men cho người dân được sơ tán.

Ngày qua, một số hãng hàng không, bao gồm IndiGo, Air India (Ấn Độ) và Qatar Airways, đã hủy chuyến bay tại một số khu vực của Ấn Độ và Pakistan do sân bay và không phận bị đóng cửa.

Trang theo dõi chuyến bay Flightradar24.com cho biết các hãng hàng không thương mại gần như tránh xa hoàn toàn không phận Pakistan sau cuộc không kích của Ấn Độ.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nong-kho-luong-dien-bien-an-do-pakistan-post848379.html
Zalo