Cảm xúc ngày 30/4-01/05: Từ hòa bình thống nhất đến an lạc nội tâm

Ngày 30/4/1975, tiếng súng ngưng vang trên dải đất hình chữ S, mở ra một kỷ nguyên hòa bình, thống nhất và hồi sinh. Với người con Phật, ngày này còn khơi dậy một khát vọng sâu xa: tự do và hòa bình không chỉ bên ngoài mà còn trong từng tâm hồn.

Tác giả: Liên Tịnh

Giải phóng lớn nhất là giải phóng chính mình

Ngày 30/4/1975 đã trở thành cột mốc lịch sử chói sáng của dân tộc Việt Nam, đánh dấu chiến thắng vĩ đại trong hành trình giải phóng đất nước, thống nhất non sông.

Bốn mươi chín năm đã trôi qua, mỗi dịp tháng Tư về, ký ức thiêng liêng ấy lại nhắc nhở chúng ta về giá trị vô giá của tự do – thứ từng phải đánh đổi bằng bao hi sinh, xương máu và nước mắt của những người đã ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay. Những làng quê hồi sinh sau chiến tranh, những mái nhà đơn sơ giữa đồng lúa chín, những buổi sáng thanh bình có tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường, đó là những minh chứng sống động cho hòa bình thực sự.

Nếu giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để có hòa bình cho đất nước, thì giải phóng nội tâm chính là nền tảng để xây dựng hòa bình lâu bền cho xã hội. Mỗi cá nhân biết tu dưỡng, biết tự chiến thắng những phiền não trong lòng mình, sẽ là viên gạch vững chãi dựng xây nền hòa bình từ gốc rễ cho chính mình và cho cả dân tộc.

Ngày 30/4 không chỉ là thời khắc tri ân tiền nhân, mà còn là cơ hội để mỗi người tự soi rọi lại mình.

Giải phóng dân tộc đưa đất nước đến tự do. Giải phóng nội tâm đưa con người đến an lạc, giải thoát. Đó là con đường trọn vẹn của tự do, hạnh phúc.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, được tạo bởi AI. Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, được tạo bởi AI. Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Lao động chân chính – Con đường thực tập Bát Chính Đạo

Và trong nhịp sống hồi sinh ấy, lao động chân chính chính là một phần không thể thiếu trong hành trình kiến tạo đời sống an vui.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để cả thế giới tôn vinh những bàn tay lao động đã âm thầm dựng xây cuộc sống. Với người con Phật, đây còn là thời khắc để chiêm nghiệm về ý nghĩa thiêng liêng của lao động dưới ánh sáng từ bi và trí tuệ. Lao động, trong tinh thần Phật giáo không chỉ để mưu sinh mà còn là phương tiện tu tập: thực hành Chính mạng – một chi phần thiết yếu trong Bát Chính Đạo.

Chính mạng là nuôi sống mình bằng những nghề nghiệp chân chính, lương thiện, không gây tổn hại cho mình và người khác, không trái với tinh thần từ bi và trí tuệ.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ dạy người hành trì Chính mạng cần tránh xa những nghề như buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán rượu, buôn bán thịt và chất độc. Bởi mỗi việc làm, dù nhỏ, đều là một hạt giống gieo xuống cho quả báo mai sau: "Nhân lành sẽ đưa đến quả lành, nhân ác sẽ đưa đến quả ác. Hãy tự làm chủ nghiệp mình."

Chính mạng không chỉ dừng lại ở việc "không làm điều ác", mà còn đòi hỏi người tu tập phải chọn nghề nghiệp có ích cho đời, nuôi dưỡng tâm tử tế, gìn giữ phẩm hạnh giữa dòng đời nhiều cám dỗ. Người lao động chân chính, dù làm nghề thợ mộc, cấy lúa, buôn bán nhỏ hay bác sĩ, kỹ sư... nếu giữ tâm ngay thẳng, làm việc bằng sự tận tụy và lương thiện, đều đang âm thầm thực hành Bát Chính Đạo giữa đời thường.

Đi trên những công trường xây dựng rộn ràng, giữa những cánh đồng lúa mênh mông ngày mùa, hay trong ánh đèn sáng khuya ở xưởng máy, ta thấy bóng dáng những con người lao động chân chính, lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. Mỗi người một nghề, mỗi người một vị trí, nhưng cùng chung một tấm lòng dựng xây đất nước, như câu ca dao thấm đẫm nghĩa tình: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

Giữ tâm tỉnh thức trong lao động không chỉ là phương tiện sinh tồn, mà còn là hành đạo giữa đời. Trong từng cử chỉ nhỏ – từ nhặt một cọng rác, chăm sóc một luống rau, đan một tấm chiếu – nếu thực hiện bằng tâm chân thành, đều có thể thành tựu phước báu lớn lao, như ông cha ta nói: "Có công mài sắt, có ngày nên kim."

Ngày 1/5 không chỉ ngợi ca lao động, mà còn là lời nhắc: hãy lao động bằng đôi tay lương thiện, bằng trái tim trong sáng, để mỗi ngày trôi qua là một ngày vun đắp tình yêu đời, yêu người, yêu đất nước.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, được tạo bởi AI. Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, được tạo bởi AI. Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Tự do và Hòa bình: Ước nguyện muôn đời của nhân loại

Ngày 30/4/1975, tiếng súng ngưng vang trên dải đất hình chữ S, mở ra một kỷ nguyên hòa bình, thống nhất và hồi sinh. Với người con Phật, ngày này còn khơi dậy một khát vọng sâu xa: tự do và hòa bình không chỉ bên ngoài mà còn trong từng tâm hồn.

Phật giáo ngay từ buổi sơ khai đã đặt nền móng trên tinh thần từ bi và bất bạo động: "Chiến thắng ngàn quân không bằng chiến thắng chính mình." (Kinh Pháp Cú 103)

Giữa thế giới đầy biến động hôm nay, lời dạy ấy càng vang vọng như tiếng chuông cảnh tỉnh. Hòa bình bền vững bắt đầu từ mỗi con người biết hóa giải những cuộc chiến âm thầm trong tâm. Hình ảnh người mẹ tha thứ cho đứa con lầm lỗi, người nông dân sẻ chia bữa cơm rau dưa với người bạn nghèo, những buổi lễ cầu an, cầu quốc thái dân an nơi mái chùa làng, tất cả những điều đó, chính là những hành động nhỏ bé nhưng bền bỉ vun bồi hòa bình.

Như ngọn gió lành thổi qua đồng khô, từ bi và tỉnh thức có thể làm dịu những cõi lòng khô cằn vì hận thù. Chỉ khi hòa bình được an trú trong từng tâm hồn, thế giới này mới thực sự đón nhận ánh sáng của an lạc chân thật.

Kỉ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa những lá cờ phấp phới, giữa những trang sử lật mở, hãy dành một khoảng lặng để nghe tiếng lòng mình an trú, để biết rằng tự do của thời bình là tự do từ bên trong – nơi không còn dính mắc tham-sân-si-mạn-nghi. Cũng như cội bồ đề sau mùa mưa nắng, mỗi tâm hồn nếu biết nuôi dưỡng từ bi và trí tuệ, rồi cũng sẽ nở hoa hòa bình giữa cuộc đời nhiều giông gió.

Tác giả: Liên Tịnh

***

Tham khảo:

Kinh Pháp Cú (Dhammapada), bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cam-xuc-ngay-30-4-01-05-tu-hoa-binh-thong-nhat-den-an-lac-noi-tam.html
Zalo