Từ Dinh Độc Lập đến Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh: Khơi dậy khát vọng hòa bình
Ngày 30/4, TP.HCM rộn ràng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Sau đại lễ trang trọng, đông đảo người dân và du khách đã tìm đến các di tích lịch sử như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh để hiểu thêm về hành trình đấu tranh hào hùng của dân tộc, lan tỏa tình yêu nước đến thế hệ trẻ.
Sau khi hòa mình vào buổi Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sáng nay, nhiều người dân và du khách đã nán lại TP.HCM, tìm đến các địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố như: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh…
Nơi đây không chỉ là chứng tích lịch sử mà còn là địa chỉ đỏ để thế hệ sau tìm hiểu về quá trình đấu tranh gian khổ để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tại Dinh Độc Lập, dù không mở cửa đón khách vào ngày 30/4, vẫn có rất đông người dân đến tham quan và chụp hình lưu niệm.

Nhiều bạn trẻ check in trước cổng Dinh Độc Lập
Ông Phí Hữu Bình, từ Hà Nội vào TP.HCM xem lễ diễu binh, diễu hành, chia sẻ: “Chung tôi mong tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cùng với thế hệ trẻ để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh”.
Cùng chung cảm xúc, bà Đặng Thị Hòa, du khách đến từ Hà Nội, bày tỏ niềm tự hào khi được đặt chân đến Dinh Độc Lập. Với bà, nơi đây là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử hào hùng, đánh dấu mốc son thống nhất, hòa bình của dân tộc.
Sau khi chụp ảnh cùng gia đình, bà Hòa gửi gắm niềm tin vào sự phát triển của đất nước và sự tiếp nối truyền thống của thế hệ trẻ: “Tôi rất tự hào và phấn khởi khi có ngày hôm nay. Tôi mong lớp trẻ, các thế hệ sau sẽ mãi gìn giữ truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phát triển đất nước tươi đẹp hơn, xây dựng hùng mạnh hơn”.

Gia đình trẻ đưa con đến xem hiện vật tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Cựu chiến binh Nguyễn Vũ Thủy từ Hải Phòng, người từng tham gia đoàn quân giải phóng Sài Gòn năm 1975, xúc động khi trở lại TP.HCM dự lễ kỷ niệm. Sau buổi lễ mít tinh, ông đã đến thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh về 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn và chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập vẫn vẹn nguyên trong ký ức của ông.
“Sau khi tôi xem những hình ảnh, hiện vật này tôi thấy tất cả vẫn nguyên vẹn như cũ, giống như khi các cánh quân tiến quân vào Sài Gòn. Tôi mong tất cả hình ảnh, hiện vật được giữ gìn, trưng bày để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử ngày 30/4, trân trọng giá trị hòa bình độc lập ngày hôm nay, nam bắc thống nhất một nhà. Chúng tôi mong thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông”, ông Thủy nói.

Ông Nguyễn Vũ Thủy ở Hải Phòng, là cựu chiến binh thuộc Đoàn 232 đang xem ảnh ngày 30/4 tại bảo tàng
Trong dịp này, nhiều bạn trẻ từ các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp cũng về TP.HCM xem đại lễ và thưởng thức pháo hoa. Buổi chiều, họ đã đến tham quan các bảo tàng lịch sử chiến tranh.
Em Nguyễn Hữu An (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp), sau khi xem diễu binh buổi sáng và tham quan Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi xem những hiện vật và ảnh ở bảo tàng, em cảm nhận được rõ hơn những mất mát, hy sinh của cha ông ta ngày xưa, họ đã đổ xương máu, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước. Qua đây, thế hệ chúng em thêm trân trọng giá trị hòa bình ngày hôm nay, cố gắng học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân để có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.