Cải tạo tập thể cũ bằng cao ốc từ 40 tầng: Nhà nước phải là 'trọng tài' cân đối

UBND cấp quận ở nội thành Hà Nội đã đưa ra các phương án cải tạo nhà tập thể cũ Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Trung Tự, Kim Liên với đề xuất thay thế bằng các tòa cao ốc từ 40 tầng trở lên làm nhà ở và kinh doanh thương mại.

Về chủ trương Hà Nội cải tạo nhà tập thể cũ, bên cạnh đa số cư dân ủng hộ về chính sách tái định cư tại chỗ, cũng không ít người bày tỏ lo ngại về việc bù kinh phí để chuyển đổi lên căn hộ diện tích lớn hơn nhà ở cũ. Xung quanh động thái này của chính quyền đô thị Hà Nội, mời quý vị đến với cuộc trao đổi với Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung ở Hà Nội và TP.HCM

PV: Thưa ông, trong năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, tái thiết các khu tập thể, chung cư cũ. Trong đó có nội dung xây cao ốc từ 40 tầng để tái định cư tại chỗ. Nhận định của ông ra sao về kế hoạch này?

Ông Ngô Doãn Đức: Tôi cho rằng, chiều cao tầng bao nhiêu thì cần phải tính toán. Chứ trước đây chúng ta vướng ở việc cân nhắc xây tòa nhà cao quá lên tới 70 tầng ở ga Hà Nội, thì giờ tan tầm, cao điểm đổ người, phương tiện xuống thì rất căng thẳng về hạ tầng, giao thông. Đặc biệt, giao thông giờ cao điểm phải tính được số người lưu thông. Thứ hai là hạ tầng phục vụ cư dân tiện ích nhất. Thứ ba là tòa nhà cao tầng đó phải tương ứng với số dân.

Có một điểm mâu thuẫn, là quyền lợi của người dân và nhà đầu tư phải cân bằng. Nếu chỉ cho xây nhà thấp tầng, nhà đầu tư sẽ ngần ngừ. Nếu cho cao tầng lên, khu vực đô thị sẽ bị chất tải. Mạng lưới giao thông hiện có sẽ bị tác động.

Vừa rồi, khu Trung Tự, Kim Liên, quận Đống Đa cũng gửi cho tôi xem phương án. Nói chung là cần phải chốt bài tính về dân cư. Cơ quan chức năng phải tính, khu vực xây xong thì có bao nhiêu dân cư, rồi tái định cư như thế nào. Rồi doanh nghiệp làm dịch vụ, nhà hàng, bãi đỗ xe, hạ tầng khác để sinh lợi, đó là quyền lợi của người ta. Nhà nước cần phải làm “trọng tài”, cho anh chừng này thôi, nhưng tôi sẽ cân đối cho anh chỗ khác. Tính toán nó nằm ở chỗ đấy.

Được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, chung cư A1, A2, A3 tại phố Giảng Võ, Hà Nội đã trở nên xuống cấp trầm trọng

Được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, chung cư A1, A2, A3 tại phố Giảng Võ, Hà Nội đã trở nên xuống cấp trầm trọng

PV: Vậy còn bài toán hài hòa lợi ích, quyền lợi của người dân ở các tập thể cũ trong quá trình chuyển đổi tái định cư tại chỗ? Đặc biệt là với các hộ có hệ số đền bù thấp?

Ông Ngô Doãn Đức: Dân cư phải có được nhà để tái định cư tại khu vực đó. Nó cần nằm trong bài toán thiết kế. Dân ở trong đó có nhu cầu cũng như mình thôi. Bây giờ xây nhà ở thương mại to hơn, người ta ở trước kia không phải ai cũng có điều kiện chi trả tiền. Có người không có thì không lẽ họ không có nhà?

Cho nên, phương án chưa rốt ráo, toàn diện và chưa bền vững. Khu vực mà thành phố đang tiến hành thì cần phương án tổng thể để giải quyết được số lượng người dân tại khu vực đó. Nhà cao tầng cần khẳng định là một xu thế. Trước kia nhà tập thể cũ nát, bây giờ phương pháp, quan điểm cải tạo, tái thiết cần đúng đắn.

Cụ thể như tập thể Trung Tự, Kim Liên hay Thành Công đều có đặc điểm là nhà ở là chính. Bây giờ ở đâu cũng thấy thương mại, dịch vụ. Chúng ta nên tập trung thương mại, dịch vụ ở một điểm, một vệt thôi gắn với hệ thống giao thông công cộng thuận lợi. Làm sao người dân tại chỗ và người đi qua cũng thấy tiện vào sử dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đồ án cải tạo, tái thiết lại toàn bộ các khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội được rốt ráo triển khai, lấy ý kiến cộng đồng, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch thành phố, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Một số khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam và phụ cận sẽ được thẩm định ngay trong tháng 5/2025 này.

Điều đó cho thấy quyết tâm của chính quyền đô thị trong việc tạo diện mạo mới khang trang hơn, an toàn hơn cho các khu tập thể, chung cư cũ 40-50 năm tuổi, đặc biệt là những tòa nhà cảnh báo nguy hiểm, cần di dời gấp.

Chu Đức/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cai-tao-tap-the-cu-bang-cao-oc-tu-40-tang-nha-nuoc-phai-la-trong-tai-can-doi-post1190040.vov
Zalo