Chi tiết danh sách các tỉnh ở Việt Nam có trữ lượng vàng lớn nhất

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 điểm khai thác vàng trên cả nước. Trong đó, những mỏ vàng sau đây được đánh giá có trữ lượng vàng lớn nhất:

Theo báo Tiền phong, mới đây, Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc) được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố.

Theo Đề án Tây Bắc, có 110 mỏ khoáng sản quý và quan trọng đã được phát hiện. Trong đó có khoảng 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 (được khoanh định trong phạm vi cấu tạo địa chất thuận lợi cho thành tạo khoáng sản) xác định được hơn 29,8 tấn vàng.

Trên đây mới chỉ là đánh giá tài nguyên khoáng sản qua nghiên cứu ở khu vực Tây Bắc. Thực tế, ngoài Tây Bắc, mỏ vàng còn phát hiện ở các địa phương khác.

Theo thông tin do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cung cấp, trữ lượng vàng của cả nước được phân thành 2 loại, đó là quặng vàng gốc và vàng sa khoáng.

Quặng vàng gốc (vàng nằm trong đá cứng) ở Việt Nam có ở nhiều nơi với trên 200 mỏ. Tuy nhiên, chỉ 50 mỏ có triển vọng được điều tra, đánh giá, thăm dò.

Các mỏ vàng có trữ lượng đáng kể gồm: Phước Sơn, Bồng Miêu, Sa Phìn, Minh Lương (Lào Cai). Trong số này, mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn có trữ lượng và tài nguyên lớn nhất là 12,3 tấn và 24 tấn, trụ khoáng vàng Minh Lương có trữ lượng vàng gần 3 tấn.

Thuộc kiểu mạch thạch anh chứa vàng còn có quặng thạch anh sulphur. Các mỏ vàng kiểu này đã được điều tra, đánh giá gồm: Nà Pái, Pác Lạng và Khe Nang. Tụ khoáng Nà Pái nằm ở huyện Bình Gia (Lạng Sơn) được phát hiện từ năm 1985. Vàng ở dạng xâm tán cực kỳ mịn, khó quan sát được. Tài nguyên dự báo tại các mỏ này khoảng 20 tấn.

Các mỏ quặng vàng bạc kiểu viễn nhiệt được phát hiện ở Xà Khía (Lệ Thủy, Quảng Bình), một số mỏ ở Rào Mốc (Hà Tĩnh), Làng Nèo (Thanh Hóa).

Đối với vàng sa khoáng (vàng trong đá do nắng mưa bị phá hủy trôi theo sông suối) được điều tra đánh giá thăm dò tập trung ở một số vùng: Na Rì (Bắc Kạn), Đại Từ (Thái Nguyên), Bồng Miêu (Quảng Nam) và một số điểm ở Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An.

Ngoài ra, mỏ vàng Tân An, Lương Thượng (Bắc Kạn) thuộc loại quy mô lớn với trữ lượng trên 1 tấn. Các mỏ Bồ Cu, Trại Cau - Suối Hoan (Thái Nguyên) thuộc loại quy mô trung bình với trữ lượng trên 0,5 tấn và mỏ Cắm Muộn (Nghệ An) gần 300kg.

Còn theo thông tin từ báo VietNamNet, gần đây, thông tin Việt Nam vừa phát hiện 40 mỏ vàng ở khu vực Tây Bắc với trữ lượng vàng lên đến khoảng 30 tấn trị giá hơn 3 tỷ USD đang gây chú ý dư luận. Trong 40 mỏ vàng trên, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ.

Ngoài những mỏ vàng mới này, hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 điểm khai thác vàng trên cả nước. Trong đó, những mỏ vàng sau đây được đánh giá có trữ lượng vàng lớn nhất:

Mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam): Trữ lượng hơn 20 tấn

Theo kết quả thăm dò khoáng sản được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084 kg vàng gốc.

Trong đó, kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.

Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là “lãnh địa vàng”. Mỏ vàng này được xem là nguồn kinh tế quan trọng cho Quảng Nam, tạo nhiều công ăn việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh.

Khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu (Ảnh: Tài nguyên & Môi trường).

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác từ năm 1992. Đến tháng 3/2016, giấy phép khai thác mỏ này đã hết hạn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu cũng đã bị tuyên bố phá sản trong năm 2018. Theo đó, mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác trái phép.

Đến tháng 3/2022, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có quyết định đồng ý để tỉnh Quảng Nam thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Tháng 8/2022, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để đóng cửa mỏ.

“Núi vàng” Đăk Sa ở Phước Sơn (Quảng Nam): Trữ lượng hơn 7 tấn

Khu vực mỏ vàng Đăk Sa ở Phước Sơn (Quảng Nam) cũng là một trong những mỏ vàng lớn tại Việt Nam. Mỏ vàng Phước Sơn có trữ lượng hơn 7 tấn. Vào năm 2012, sản lượng vàng ròng thu được từ mỏ này đạt từ 1-1,2 tấn/năm, với quặng vàng chứa từ 5-15g vàng/tấn quặng.

Một góc mỏ vàng Đăk Sa tại xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Ảnh: Báo CAND.

Hiện nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn là đơn vị được cấp phép khai thác vàng tại hai khu vực là Bãi Đất và Bãi Gõ, thuộc mỏ vàng Đăk Sa, trong khuôn khổ Dự án Khai thác khoáng sản quặng vàng tại khu vực Phước Sơn.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 2/2025, Cục Khoáng sản Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị có ý kiến về Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng gốc tại khu vực Đăk Sa.

Mỏ vàng Pác Lạng (Bắc Kạn)

Pác Lạng là mỏ vàng gốc lớn, rộng gần 25 km2, nằm trên địa bàn hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

Mỏ vàng Pác Lạng được phát hiện và khai thác từ thế kỷ 19. Khu mỏ chính nằm ở sườn phía nam khối núi cao cỡ 1.090 m, cách quốc lộ 3 cỡ 5 km đường thẳng, theo đường bộ đi khoảng hơn 20 km.

Mỏ Pác Lạng có cấu tạo địa chất phức tạp, chứa các loại quặng vàng với độ tinh khiết cao. Điều này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và nhà khoa học nghiên cứu địa chất.

Từ năm 2007 đến cuối năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho liên doanh Công ty ARV (Vương quốc Anh), Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (Công ty Khoáng sản Bắc Kạn) thăm dò trữ lượng vàng và các khoáng sản đi kèm tại mỏ vàng Pác Lạng.

Hơn 4 năm thăm dò mỏ vàng Pác Lạng, Công ty Khoáng sản Bắc Kạn đầu tư 63 tỷ đồng để tổ chức liên doanh thăm dò, bảo vệ mỏ. Toàn bộ tài liệu, kết quả thăm dò đã báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Mỏ vàng ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình): Trữ lượng 10 tấn

Các mỏ vàng gốc tập trung tại miền núi phía Bắc. Vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn.

Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, đây là vùng vàng có triển vọng cần được đầu tư khảo sát, thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và hình thành khu công nghiệp vàng có công suất khoảng 1 tấn vàng/năm.

Mỏ vàng Nà Pái (Lạng Sơn): Trữ lượng 3,3 tấn

Mỏ vàng Nà Pái nằm tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là một trong những mỏ vàng quan trọng của khu vực Đông Bắc Việt Nam. Mỏ vàng này cũng xa khu dân cư và nằm trong rừng sâu.

Hiện Nà Pái đã đưa vào khai thác dưới dạng truyền thống và chưa có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại. Sản lượng khai thác khoảng 0,8-1,5 tấn vàng mỗi năm.

Bảo Vy (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/chi-tiet-danh-sach-cac-tinh-o-viet-nam-co-tru-luong-vang-lon-nhat-13653.html
Zalo