Yếu tố nào tạo sức hút của bất động sản Hà Nam?
Với đà phát triển công nghiệp cùng làn sóng đầu tư hạ tầng đã biến Hà Nam từ 'vùng trũng' thành yếu tố mang sức hút mới trên bản đồ bất động sản miền Bắc.
Nằm ngay cửa ngõ phía Nam Thủ đô, Hà Nam đang nổi lên như một “điểm sáng” trên thị trường bất động sản phía Bắc. Nếu trước đây tỉnh này chủ yếu được biết đến với vai trò vệ tinh của Hà Nội, thì nay Hà Nam đang dần định hình vị thế là một trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới. Nhờ vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, kinh tế tăng trưởng cao và sự bùng nổ đầu tư, thị trường bất động sản tại Hà Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước.
"Đòn bẩy" vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông
Hà Nam sở hữu vị trí hết sức thuận lợi khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam huyết mạch, cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 60 km. Đây là khu vực kết nối nhanh chóng với các tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Hưng Yên. Chính nhờ điều kiện địa lý này mà Hà Nam trở thành “cầu nối” quan trọng giữa Thủ đô và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Hà Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cốt lõi để trở thành một cực tăng trưởng mới về bất động sản phía Bắc. Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông tại Hà Nam liên tục được đầu tư và nâng cấp. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 1A mở rộng, quốc lộ 21B, tuyến tránh thành phố Phủ Lý, đường sắt Bắc - Nam đi qua trung tâm tỉnh… đều giúp rút ngắn thời gian di chuyển và gia tăng tính kết nối vùng. Đặc biệt, dự án nút giao Phú Thứ - cửa ngõ chính của Hà Nam nối cao tốc với đường tỉnh lộ 971, với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng đang thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2025, hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc, đồng thời tạo động lực thúc đẩy giao thương và thu hút đầu tư.
Không chỉ giao thông liên vùng, các tuyến đường nội tỉnh cũng được cải tạo mạnh mẽ, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm hành chính, y tế và giáo dục của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để thị trường bất động sản phát triển đều trên nhiều phân khúc, từ đất nền, nhà phố đến căn hộ, nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp.
Kinh tế tăng trưởng mạnh và dòng vốn FDI đổ vào bất động sản
Năm 2024, Hà Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 10,93%, cao thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ năm toàn quốc. Đây là kết quả của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải cách hành chính nhằm thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 8/16 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.500 ha. Các khu công nghiệp như Đồng Văn I, II, III, IV, Châu Sơn hay Hòa Mạc đã trở thành điểm đến quen thuộc của các tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…
Chính sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp đã tạo ra nhu cầu rất lớn về nhà ở cho chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông. Theo Sở Xây dựng Hà Nam, năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 8.733 giao dịch bất động sản, tăng 32% so với năm 2023. Tổng giá trị giao dịch đạt 8.489 tỷ đồng, mức tăng ấn tượng 77% trong bối cảnh thị trường cả nước còn nhiều khó khăn. Những con số này cho thấy thị trường bất động sản Hà Nam đang vận hành theo hướng ổn định, có sự dẫn dắt bởi nhu cầu ở thực thay vì chỉ đầu cơ hay “lướt sóng” ngắn hạn.

Hà Nam sở hữu vị trí hết sức thuận lợi khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam huyết mạch. Ảnh minh họa
Bên cạnh yếu tố công nghiệp, Hà Nam cũng đang nổi lên như một điểm đến du lịch - văn hóa quan trọng. Việc quần thể Tam Chúc - Ba Sao được đầu tư bài bản và trở thành điểm du lịch tâm linh hàng đầu miền Bắc đã góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Năm 2024, Hà Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, tạo tiền đề để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, homestay, khách sạn, khu vui chơi.
Thị xã Kim Bảng - nơi có quần thể Tam Chúc - cũng chính thức được nâng cấp từ huyện lên thị xã vào cuối năm 2024, mở ra cơ hội tăng giá trị đất đai và thu hút dòng vốn vào các dự án đô thị, dịch vụ và du lịch trong giai đoạn 2025 - 2030.
Với nền tảng hạ tầng hoàn thiện, tốc độ đô thị hóa cao, công nghiệp phát triển mạnh, cùng sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương, Hà Nam đang sở hữu nhiều yếu tố cốt lõi để trở thành một cực tăng trưởng mới về bất động sản phía Bắc. Với những lực đẩy mạnh mẽ đó, thời gian qua, hàng loạt dự án bất động sản được các chủ đầu tư uy tín rót vốn xây dựng ở Hà Nam như: Sun Urban City; Flamingo Golden Hill; Lantana City Hà Nam; Á Đông Xanh…
Điểm khác biệt của Hà Nam so với một số “điểm nóng” khác là sự phát triển dựa trên nhu cầu thực tế, không bị dẫn dắt bởi tâm lý đầu cơ ngắn hạn. Khi nhà đầu tư tìm đến những thị trường có quy hoạch rõ ràng, chính sách thu hút FDI ổn định và tiềm năng tăng giá dài hạn, Hà Nam chính là điểm đến đáng cân nhắc trong giai đoạn thị trường đang phục hồi và tái cấu trúc.
Từ một tỉnh vệ tinh, Hà Nam đang dần trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị kiểu mẫu mới. Bất động sản, với vai trò là “thước đo” phát triển đô thị, đang phản ánh rõ nét sự chuyển mình ấy.